Lịch sử và Phát triển

Lịch sử hình thành Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi

Thứ hai, 25/11/2019 | 16:52 GMT+7
Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi có trụ sở chính tại 80A Trần Phú, phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Công ty đang quản lý vận hành các cụm thủy điện Đa Nhim - Sông Pha, Hàm Thuận - Đa Mi và Nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Với tổng công suất lắp đặt 770MW, hàng năm Công ty cung cấp cho Hệ thống điện Quốc gia khoảng 2,7 tỷ kWh.

Văn phòng Công ty tại 80A Trần Phú, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

Tiền thân Công ty là Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Đây được xem là một trong những công trình thủy điện đầu tiên ở miền Nam nước ta. Được khởi công từ ngày 01/4/1961, công trình thủy điện Đa Nhim được xây dựng trên hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Thủy điện Đa Nhim có hồ chứa với lưu vực rộng 775 km2 nhận nguồn nước từ sông Đa Nhim và sông Kronglet trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai, cửa nhận nước, đường hầm dẫn nước dài 5km thuộc tỉnh Lâm Đồng; đường ống áp lực dài 2,3km, trạm phân phối và tòa nhà năng lượng thuộc tỉnh Ninh Thuận. Công trình sử dụng nguồn vốn được cung cấp từ quỹ bồi thường chiến tranh của Chính phủ Nhật Bản và một phần từ nguồn vốn vay để xây dựng, lắp đặt thiết bị cho Nhà máy thủy điện Đa Nhim, đường dây truyền tải 230 kV và trạm Sài Gòn.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất lắp đặt 160MW, gồm 04 tổ máy trục ngang. Với độ cao cột áp 800m, Nhà máy thủy điện Đa Nhim có suất tiêu hao nước rất thấp khoảng 0,55m3/kWh. Ngày 15/01/1964, Nhà máy thủy điện Đa Nhim chính thức vận hành phát điện tổ máy số 1 và số 2, đến cuối năm 1964 thì hoàn thành toàn bộ công trình. Hàng năm, thủy điện Đa Nhim cung cấp cho lưới điện Quốc gia khoảng 1 tỷ kWh. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ thâm canh nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 16.000 ha.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

Vào năm 1992, tình hình thiếu điện của miền Nam ngày càng căng thẳng, Bộ Năng lượng và Nhà nước đồng ý để Công ty Điện lực 2 tháo dỡ 3 tổ máy của nhà máy thủy điện Cấm Sơn tại Bắc Giang và mua mới 2 tổ máy từ Trung Quốc để xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Pha, bậc thang dưới của thủy điện Đa Nhim, với công suất là 7,5MW (mỗi tổ 1,5MW) nhằm tận dụng tối đa nguồn nước qua chạy máy của thủy điện Đa Nhim. Năm 1994, tổ máy H1 được đưa vào vận hành, đến cuối năm 1996 hoàn thành toàn bộ công trình và đưa vào sử dụng. Hàng năm thủy điện Sông Pha cung cấp bình quân khoảng 40 triệu kWh điện vào lưới điện Quốc gia.

Nhà máy thủy điện Sông Pha (7,5MW) tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

Ngày 16/5/1997, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi trên lưu vực sông La Ngà với công suất 475MW. Trong đó, nhà máy thủy điện Hàm Thuận thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc có công suất 300MW (02 tổ máy) và nhà máy thủy điện Đa Mi thuộc xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có công suất 175 MW (02 tổ máy). Dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành toàn bộ công trình và chính thức vận hành phát điện ngày 02/4/2001. Hàng năm, cụm thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi cung cấp cho lưới điện Quốc gia khoảng 1,5 tỷ kWh. Kể từ khi đi vào hoạt động, thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi là nguồn cung cấp nước ổn định cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Bình Thuận với diện tích hơn 17.000 ha.

Nhà máy thủy điện Hàm Thuận (300MW) tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Nhà máy thủy điện Đa Mi (175MW) tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

Ngày 21/5/2001, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã ban hành Quyết định số 154 EVN/TCCP.ĐT giao nhiệm vụ cho Nhà máy thủy điện Đa Nhim tiếp quản vận hành hệ thống công trình Hàm Thuận - Đa Mi theo mô hình cụm đầu tiên trong khối thủy điện và đổi tên thành Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, trực thuộc EVN. Tổng công suất Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi là 642,5MW.

Ngày 30/03/2005, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-BCN chuyển Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thành Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, đơn vị hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn nhà nước, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi được tiến hành cổ phần hoá theo Quyết định số 384/QĐ-TTG ngày 03/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 24/5/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành Quyết định 327/2010/QĐ-EVN chuyển Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thành công ty cổ phần. Sau gần 18 tháng sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, ngày 07 tháng 10 năm 2011, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) ngày nay. Ngày 30/6/2010 và 15/6/2011, Công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom vào ngày 19/6/2017 với mã DNH. Ngày 01/06/2012, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3023/QĐ-BCT về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1). Theo đó, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trở thành công ty con với 99,93% cổ phần do EVNGENCO1 nắm giữ.

Công ty ĐHĐ (mã DNH) niêm yết trên sàn UpCom ngày 19/6/2017

Trong quá trình hình thành và phát triển, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi ngoài chức năng vận hành, sản xuất điện còn thực hiện công tác quản lý các dự án nâng cấp thiết bị và phát triển nguồn điện. Trong đó, Dự án phụ hồi hệ thống điện Đa Nhim do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty thực hiện công tác quản lý dự án nhằm nâng cấp hệ thống thiết bị Nhà máy thủy điện Đa Nhim sau 40 năm vận hành. Dự án được triển khai từ năm 2004 và hoàn thành năm 2006 đã thay đổi diện mạo Nhà máy thủy điện Đa Nhim qua 03 hạng mục chính gồm: Nâng cấp tua-bin, máy phát và hệ thống thu thập số liệu thủy văn.

Triển khai Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim (2004 - 2006)

Nhằm tận dụng tối đa tiềm năng thủy điện của hồ Đơn Dương, từ những năm 2012 Công ty đã thực hiện các thủ tục xúc tiến đầu tư Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim với công suất 80MW, sử dụng vốn vay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án tận dụng hồ chứa và đập tràn hiện hữu, xây mới các hạng mục công trình gồm: Kênh dẫn vào, cửa nhận nước, hầm dẫn nước, tháp điều áp, nhà van, đường ống áp lực, nhà máy thủy điện và mở rộng trạm phân phối. Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng vận hành giai đoạn 1 (công suất 45MW) vào ngày 25/12/2018 và vận hành đủ công suất thiết kế (80MW) vào ngày 4/8/2021, nâng tổng công suất Nhà máy thủy điện Đa Nhim lên 240MW.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng (bên phải) đưa vào vận hành từ tháng 12/2018

Thực theo chủ trương phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, năm 2017 Công ty đã xúc tiến đầu tư Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi (47,5MWp) trên hồ thủy điện Đa Mi, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).  Dự án được đắt đầu triển khai thi công xây dựng từ tháng 8/2018, đến ngày 01/6/2019 Nhà máy điện mặt trời Đa Mi chính thức vận hành thương mại, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch lên lưới điện Quốc gia và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của tỉnh Bình Thuận. Tại thời điểm đưa vào vận hành, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được ADB đánh giá là nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (47,5MWp) tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

Một số thông tin về Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi:

- Tên tiếng Việt: CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY ĐIỆN ĐA NHIM - HÀM THUẬN - ĐA MI.

- Tên tiếng Anh: DA NHIM - HAM THUAN - DA MI HYDRO POWER JOINT STOCK COMPANY.

- Tên viết tắt: EVNHPCDHD.

- Mã chứng khoán: DNH.

- Vốn điều lệ: 4.224.000.000.000 đồng.

- Số lượng phát hành: 422.400.000 cổ phiếu.

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: số 5800452036, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 18/5/2005, chứng nhận thay đổi lần 8 ngày 06/7/2017.

- Tổng công suất lắp đặt: 770MW.

- Cổ đông lớn: Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) chiếm 99,93%.

EVNHPC DHD