Tin Công ty DHD

Công ty DHD chủ động chống hạn để đảm bảo sản xuất điện

Thứ sáu, 3/4/2020 | 19:17 GMT+7
Những năm gần đây có thể thấy tác động rất tiêu cực của khí hậu bất thường và ngày càng khắc nghiệt.

Hạng mục cửa nhận nước công trình thuỷ điện Đa Mi (DHD). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Năm 2019, có thể nói là năm thất bát về sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện trên cả nước do lượng nước thiếu hụt tại các hồ chứa thủy điện (tương đương 16,3 tỷ kWh điện).

Trong điều kiện như vậy, Công ty CP Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) đã vận hành an toàn các tổ máy, đảm bảo hệ số khả dụng đạt trên 96,7%, với sản lượng đạt 2,665 tỷ kWh. Năm 2020, tiếp tục là năm khó khăn đối với thủy điện, do tình trạng khô hạn xảy ra trên diện rộng, kéo dài từ cuối năm 2019 và sẽ tiếp tục diễn ra đến hết mùa khô năm 2020, các hồ chứa thủy điện sẽ gặp nhiều khó khăn trong vận hành do vừa cấp nước cho phát điện, vừa cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân vùng hạ du. Triển khai kế hoạch sản xuất năm 2020, DHD đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để không bị ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính là chống hạn và sản xuất điện.
 
Các hồ thủy điện thiếu 11,38 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 7-2020, nguồn nước trên các sông suối thuộc các khu vực, Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt từ 20% đến 60% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong khi đó, năm 2019, tình trạng hạn hán đã xảy ra ở hầu khắp các lưu vực sông trên cả nước khiến mực nước của 17/26 hồ chứa thấp hơn so với yêu cầu.
 
Theo tính toán của Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện Quốc gia, tổng sản lượng thủy điện toàn hệ thống 6 tháng mùa khô năm 2020 sẽ giảm 4,2 tỷ kWh so với kế hoạch. Theo Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, điều này không chỉ tạo áp lực lớn cho hệ thống điện mà việc đáp ứng các yêu cầu cấp nước ở vùng hạ du và mực nước tối thiểu theo quy trình điều tiết cũng rất khó khăn.
Ðể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cấp nước cho hạ du theo quy trình liên hồ chứa và đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho phép tiếp tục duy trì mực nước tối thiểu thấp hơn quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa đối với một số hồ thủy điện; đồng thời cho phép vận hành các hồ chứa, ưu tiên đáp ứng các ràng buộc kĩ thuật của hệ thống điện, điều chỉnh lượng nước cấp cho hạ du phù hợp với nhu cầu thực tế của các địa phương và có thể thấp hơn so với quy định tại một số hồ thủy điện đang gặp khó khăn về nguồn nước...
 
Năm 2020, được dự báo sẽ xảy ra hạn hán nghiêm trọng. vì vậy, EVN đang triển khai phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, có giải pháp cân đối, hài hòa, vận hành các hồ chứa đảm bảo được đa mục tiêu, vừa cấp nước cho hạ du, vừa hoàn thành nhiệm vụ phát điện. Đặc biệt là đối với những khu vực thiếu nước nghiêm trọng như Ðà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận...
 
Tính đến nay, tổng dung tích hữu ích các hồ thủy điện chỉ là 24,3 tỷ m3, thiếu khoảng 11,38 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường (tương đương thiếu 4,58 tỷ kWh).
 
DHD chủ động trong chống hạn
 
Một phần hồ, đập công trình thuỷ điện Đa Mi. Ảnh Ngoc Hà.
 
Việc đưa tổ máy H5 - Dự án mở rộng NMTĐ Đa Nhim vào vận hành thương mại (45/80MW) từ ngày 22-4-2019 và Nhà máy điện mặt trời Đa Mi vận hành thương mại từ 1-6-2019 (vượt tiến độ 30 ngày) đã góp phần quan trọng để DHD hoàn thành kế hoạch sản xuất điện năm 2019 và trong điều kiện thủy văn không thuận lợi vào những năm tiếp theo. 
Ngoài nhiệm vụ phát điện, Công ty DHD còn đảm bảo lưu lượng cấp nước phục vụ sinh hoạt và canh tác nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. 
 
Trong năm 2019, mặc dù tình hình thuỷ văn tại khu vực hồ Đơn Dương không thuận lợi, nhưng cụm thuỷ điện Đa Nhim - Sông Pha đã sản xuất được 1,117 tỷ kWh, đạt 108% kế hoạch. Kết quả đạt được có phần đóng góp đáng kể khi tổ máy số 5 thuộc dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Đa Nhim được đưa vào vận hành giai đoạn 1 (45MW), cung cấp cho lưới điện quốc gia 154,5 triệu kWh, vượt sản lượng thiết kế (99 triệu kWh). Đồng thời, đảm bảo kế hoạch cấp nước cho hạ du tỉnh Ninh Thuận phục vụ sinh hoạt và canh tác nông nghiệp.  
 
Do tình hình thuỷ văn trong những tháng đầu năm 2020 không thuận lợi, lưu lượng nước về hồ Đơn Dương kém hơn trung bình nhiều năm nên ngay từ đầu mùa khô, DHD phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để huy động các tổ máy phù hợp với nhu cầu cấp nước hạ du đã thống nhất với Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, kế hoạch sản lượng điện sản xuất riêng cụm thuỷ điện Đa Nhim - Sông Pha là 1,127 tỷ kWh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Sở NN&PTNT trong công tác vận hành, điều tiết lưu lượng chạy máy cụm thuỷ điện Đa Nhim - Sông Pha để đảm bảo cấp nước cho hạ du tỉnh Ninh Thuận vào những tháng mùa khô; tăng cường kỷ luật vận hành để góp phần cung cấp nguồn điện ổn định cho địa phương và hệ thống điện quốc gia. 
 
Cùng với việc hoàn thành kế hoạch năm 2020 đạt sản lượng 2 tỷ 715 triệu kWh, trong đó, sản lượng điện kế hoạch 6 tháng mùa khô là 1 tỷ 158 triệu kWh, DHD phải đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đối với vùng hạ du thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận - là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước bởi tình hình khô hạn kéo dài trong nhiều tháng qua. Theo đó, DHD chủ động làm việc với địa phương để thống nhất kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong giai đoạn mùa khô năm 2020 nhằm đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu phát điện và đảm bảo cấp nước.

Theo kế hoạch, DHD sẽ vận hành cấp nước cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận (từ tháng 1 đến tháng 6-2020), với lưu lượng trung bình ngày khoảng 12-15 m3/s và cho đồng bằng tỉnh Bình Thuận không nhỏ hơn 32 - 35 m3/s.

 Đến nay, tổng diện tích khoảng 33.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận được cấp nước tưới từ các Nhà máy Đa Nhim - Sông Pha, Hàm Thuận - Đa Mi đã bước vào giai đoạn thu hoạch với năng suất cao. 
 
Việc chủ động hơn trong công tác điều tiết, sử dụng tối đa nguồn nước từ các nhà máy trong chống hạn cho khu vực hạ du, đồng nghĩa với việc DHD chủ động trong công tác bảo trì, sửa chữa các tổ máy luôn sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu phương thức vận hành hệ thống điện. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định  việc hoàn thành nhiệm vụ trọng yếu là chống hạn và với việc quản lý vận hành hồ Đơn Dương, thuộc cụm Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim - Sông Pha (212,5 MW) và hồ Hàm Thuận, thuộc cụm Thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi (475 MW) thì đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất điện của DHD sẽ góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm 2020.
Thanh Mai (iCON)