Kiểm tra thiết bị đập tràn Hàm Thuận
Đoàn công tác đã kiểm tra hiện trạng thiết bị, mực nước hồ tại đập tràn Hàm Thuận. Tại thời điểm kiểm tra, mực nước hồ Hàm Thuận đang ở cao trình 586,35m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 18,65m. Tuy nhiên, hệ thống thiết bị đập tràn được duy tu, bảo dưỡng tốt, sẵn sàng vận hành hiệu quả trong mùa mưa lũ.
Sau đó, Đoàn công tác tiến hành kiểm tra hiện trạng dòng chày thoát lũ sông La Ngà từ sau hạ lưu đập tràn Hàm Thuận đến nhà thờ Đa Kim 2 thuộc thuộc thôn Buôn Cùi, xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc. Kết quả kiểm tra cho thấy lòng sông đã bị ảnh hưởng đáng kể do người dân san ủi để làm nhà và canh tác, trồng trọt. Từ cầu 624 nhìn lên hướng thượng lưu, phía bên trái khu vực thôn Đa Kim, xã Đa Mi có nhiều hộ dân sinh sống ở các vị trí thấp, ven sông và trồng hoa màu, cây lâu năm như: chuối, cà phê, điều, sầu riêng, bơ, bưởi... ngay ở vùng giữa lòng sông sẽ bị ảnh hưởng khi hồ Hàm Thuận xả tràn. Nghiêm trọng hơn, khu vực từ nhà thờ Đa Kim 2 đến cầu sắt thôn 5, xã Đông Tiến có nhiều hộ gia đình đổ đất trồng cây, gây thu hẹp đáng kể dòng chảy sông La Ngà.
Kiểm tra bản đồ ngập lụt hạ du đập tràn Hàm Thuận
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty ĐHĐ đã kiến nghị chính quyền xã Đông Tiến, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời các hộ dân đang lấn chiếm, san ủi đất làm thu hẹp dòng chảy sông La Ngà để canh tác và xây dựng nhà cửa, có biện pháp khai thông vật cản lòng sông, ngăn chặn các hoạt động gây cản trở dòng chảy tự nhiên đồng thời giúp đỡ Công ty bảo vệ, chống phá hoại gây hỏng các thiết bị quan trắc, công trình hồ đập.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo xã Đông Tiến và xã Đa Mi có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hộ dân đang lấn chiếm, san ủi đất làm thu hẹp dòng chảy thoát lũ sông La Ngà để canh tác và xây dựng nhà cửa không đúng quy định.
Một số hình ảnh tại hiện trường:
Nhà ở, cơ sở kinh doanh xây dựng ven sông
Khu vực lấn chiếm dòng chảy tại nhà thờ Đa Kim 2
Người dân tự ý đổ đất lấn chiếm dòng chảy để trồng cây lâu năm
Người dân trồng cà phê, sầu riêng dưới lòng sông
Cán bộ xã Đa Mi vận động người dân không đổ đất lấn chiếm dòng chảy