Theo lộ trình, sau khi IPO, Công ty sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan để tiến hành niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào quý I/2011.
EVNHPC DHD bao gồm hai cụm nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi, với tổng công suất 642,5 MW, sản lượng điện hàng năm là 2.576 triệu kWh. Đây cũng là công ty lớn thứ ba trong ngành về lĩnh vực thủy điện hiện nay, với sản lượng điện chiếm khoảng 4% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn ngành.
Trong kinh doanh bán điện, Công ty cũng được đánh giá là có lợi thế lớn, khi có giá thành rẻ và tương đối ổn định, bởi đầu vào là nước thiên nhiên.
Để đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai, khi các nguồn điện ngày càng đa dạng, Công ty đã tham gia góp vốn và đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, như Dự án điện gió Phú Lạc, Dự án điện gió Lợi Hải, Công Hải tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư vào lĩnh vực phong điện, Công ty đã đầu tư góp vốn vào các dự án thủy điện, như Thủy điện A Vương, Thủy điện Serepok, Thủy điện Sê San 4, Thủy điện Sông Ba Hạ.
Không chỉ là nhà đầu tư, EVNHPC DHD còn mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ kỹ thuật trọn gói cho các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa trong khu vực dựa trên lợi thế cạnh tranh về năng lực, như giám sát thi công lắp đặt thiết bị công trình thủy điện A Lưới với Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung (4,735 tỷ đồng); đào tạo kỹ sư sửa chữa, vận hành Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, 4 với Ban quản lý Dự án Thủy điện 6, hay hợp đồng thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị cho Nhà máy Thủy điện Đa Dâng 2 với Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam…
Kế hoạch hoạt động từ nay đến năm 2013 cũng được Công ty đặt ra với mức doanh thu dao động 1.230 -1.240 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 250 tỷ đồng.
Nếu quay lại với thực tế thị trường điện cạnh tranh ở khâu bán điện sẽ vận hành chính thức, dự kiến từ năm 2011 bởi các cơ chế, khung chính sách điều hành thị trường vừa được Bộ Công thương hoàn thiện và nhất là khi Chính phủ mới đây yêu cầu đẩy nhanh vận hành thị trường điện, có thể thấy rõ những mục tiêu mà Công ty đặt ra là hoàn toàn khả thi.
Theo tính toán, chưa tính đến các khoản doanh thu từ tư vấn, sửa chữa, đầu tư tài chính thì với giá thành bình quân khoảng 350 đồng/kWh (sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần) đã đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của EVNHPC DHD có lãi và có sức cạnh tranh cao, bởi các nguồn thủy điện luôn được ưu tiên huy động trước để khỏi phí nước vì không mất tiền mua như than, khí hay dầu khi có giá cao nhất lên tới 14 UScents/kWh (gần 3.000 đồng/kWh).
Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị các nhà máy thuộc EVNHPC DHD đều được thay mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại, các thiết bị chính hầu hết được sản xuất ở các nước thuộc Nhóm G7, đảm bảo tiêu chuẩn vận hành ổn định và hiệu quả cao.
Với các lợi thế trên, đây là cơ hội để các nhà đầu tư cân nhắc các yếu tố tiềm năng của những doanh nghiệp điện mà không bị xáo trộn và hoang mang bởi các làn sóng giả của thị trường.