Tin Công ty DHD

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi sau một năm vận hành

Thứ hai, 8/6/2020 | 19:35 GMT+7
Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi công suất 47,5MWp được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh và xã Đa Mi, La Dạ thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Công ty cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Chủ đầu tư) đã bắt đầu nghiên cứu và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án từ năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 1400 tỷ đồng.

Khởi nguồn từ ý tưởng đột phá

Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 56,65ha, trong đó 50ha mặt nước dùng để lắp các mảng PV quang điện và 6,65 ha trên đất liền để xây dựng trạm 110kV, 2 trạm Inverter và đường dây truyền tải 110kV dài 3,5km. Đến cuối năm 2019, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đây là dự án nhà máy điện mặt trời nổi có quy mô công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam. Đầu tư nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên ở Việt Nam là một quyết định mang tính đột phá của những con người dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu phát triển nguồn điện cho hệ thống điện Quốc gia.

Toàn cảnh nhà máy điện mặt trời Đa Mi

Dự án được bắt đầu triển khai thi công xây dựng từ tháng 8/2018, đến ngày 01/6/2019 Nhà máy điện mặt trời Đa Mi chính thức vận hành thương mại, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch lên lưới điện Quốc gia và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của tỉnh Bình Thuận. Sau một năm vận hành, các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt giá trị thiết kế. Theo thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, nhà máy điện mặt trời Đa Mi cung cấp sản lượng 69,9 triệu kWh trong năm đầu tiên với tỉ số hiệu suất phát điện PR là 81,43%. Trên thực tế, sản lượng điện sản xuất trong năm đầu tiên là 74,18 triệu kWh, tăng 6,12% so với sản lượng thiết kế và chỉ số PR đạt 85,80%.

Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi được đầu tư tại vị trí lý tưởng

Không khí trong lành tại hồ thuỷ điện đảm bảo hiệu suất các mảng PV

 

Công ty cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi quyết định đầu tư Dự án nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ thuỷ điện Đa Mi bởi nhiều yếu tố thuận lợi nhưng quan trọng nhất là dao động mực nước tối đa chỉ 2m. Quanh năm, mực nước hồ Đa Mi gần như ổn định nên rất thuận lợi trong việc thiết kế hệ thống phao neo để lắp đặt các mảng pin PV.

Mặt thoáng hồ Đa Mi là môi trường làm mát tự nhiên tuyệt vời giữ nhiệt độ các tấm PV trong giới hạn kỹ thuật, đảm bảo hiệu suất phát điện. Ngoài ra, môi trường trong lành đã góp phần giảm đáng kể bụi bẩn bám trên mặt PV so với lắp trên đất liền. Hơn một năm vận hành, Công ty ĐHĐ chỉ thực hiện vệ sinh một lần duy nhất.

Việc tận dụng mặt hồ thuỷ điện để thi công dự án đã giúp giảm thiểu chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, làm giảm suất đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư cho dự án.

Kinh nghiệm rút ra từ dự án

Trạm 110KV nhà máy điện mặt trời Đa Mi

Đối với các mảng PV lắp nổi trên mặt nước chịu tác động của gió, sự thay đổi của mực nước và dòng chảy nên hệ thống dây neo giữ các mảng pin cần được thiết kế đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, hệ thống điều khiển, giám sát cần được thiết kế đáp ứng yêu cầu phát hiện vị trí xảy ra chạm đất nguồn DC để sẵn sàng cô lập điểm chạm đất trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo an toàn trong khi các Inverter vận hành liên tục duy trì phát điện.

Qua một năm vận hành, nhà máy điện mặt trời Đa Mi đã chứng minh tính đúng đắn trong việc lựa chọn vị trí đầu tư mang lại hiệu quả cao. Việc đầu tư nhà máy điện mặt Đa Mi đã mở ra một xu hướng đầu tư mới là phát triển nguồn điện trên mặt hồ thuỷ điện, thuỷ lợi để góp phần cung cấp nguồn điện sạch lên hệ thống điện Quốc gia, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Nguyễn Ngọc Tuấn