Trong thời gian tháng 8 đến tháng 9/2019, mùa mưa khu vực thượng lưu sông La Ngà đã vào chính vụ. Lưu lượng nước về hồ Hàm Thuận tăng nhanh so với tháng 7, có ngày lưu lượng về hồ đạt 376m3/s làm mực nước hồ tăng nhanh. Nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và khu vực hạ du trong mùa mưa lũ, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã tiến hành kiểm tra dòng chảy thoát lũ sông La Ngà vào ngày 18/9/2019.
Kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ
Được khởi công xây dựng năm 1997 và đưa vào vận hành năm 2001, Dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (475MW) ngoài nhiệm vụ phát điện còn là nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ sinh hoạt và thâm canh nông nghiệp cho huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Trong quá trình vận hành, Lãnh đạo Công ty ĐHĐ luôn chỉ đạo sâu sát công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão. Các đợt kiểm tra hạ du được Công ty tiến hành định kỳ để đánh giá thực tế hành lang thoát lũ, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác vận động, tuyên tuyền đến người dân không canh tác hoặc xây dựng công trình kiên cố trong hành lang thoát lũ nhằm loại trừ nguy cơ mất an toàn trong trường hợp phải xả lũ điều tiết.
Duy trì dòng chảy môi trường
Kết quả kiểm tra cho thấy hành lang thoát lũ sông La Ngà bị thu hẹp một vài điểm tại thôn Buôn Cùi, xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc do một số hộ dân đổ đất san lấp mặt bằng để trông cây ăn trái và xây dựng. Tại một số vị trí, người dân canh tác nông nghiệp dưới lòng sông, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy thoát lũ. Điều này tiềm ẩn rủi ro mất an toàn trong mùa lũ. Công ty ĐHĐ sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để vận động người dân không làm cản trở dòng chảy thoát lũ của sông La Ngà, đảm bảo an toàn cho người và tài sản phía hạ du trong mùa mưa bão.
Việc vận hành hồ chứa thủy điện vào mùa mưa bão là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn đối với các nhà máy thủy điện vì vừa phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành hồ chứa được duyệt, vừa đảm bảo an toàn hồ đập đồng thời giảm thiểu tối đa thiệt hại cho vùng hạ du. Để làm được điều đó, ngoài việc tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành của chủ hồ cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và ý thức của người dân vùng hạ du.
Xưởng chế biến trai cây cạnh hành lang thoát lũ
Người dân trồng sầu riêng dưới lòng sông
Người dân canh tác nông nghiệp dưới lòng sông
Nguyễn Ngọc Tuấn