Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có trên 200 dự án thuỷ điện nhỏ (TĐN) và vừa đã và đang được triển khai, chiếm 40% tổng công suất của hệ thống điện. Tuy nhiên hiệu quả khai thác của những dự án đã đi vào hoạt động còn thấp, chỉ đạt 50-70% công suất thiết kế.
Theo Viện Thuỷ điện, xét về công suất, tổng công suất lắp đặt của các trạm thuỷ điện chỉ đạt khoảng 5% công suất của trữ năng kinh tế kỹ thuật của thuỷ điện nhỏ. Tổng công suất của các trạm đang hoạt động còn đạt tỷ lệ thấp hơn, chỉ vào khoảng 3%. Nguyên nhân do trước đây, các trạm TĐN thường do các địa phương đảm nhận thiết kế và thi công nên chất lượng công trình thấp. Phần lớn các trang thiết bị TĐN đều phải nhập của nước ngoài nên việc đầu tư có nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Sau một thời gian sử dụng thiết bị xuống cấp, hư hỏng, không có đủ thiết bị sửa chữa thay thế nên chỉ khai thác được một phần rất nhỏ nguồn tài nguyên này phục vụ cho người dân miền núi.
Viện Thuỷ điện cũng cho hay, cơ hội phát triển TĐN ở Việt Nam là rất khả quan. Việt Nam có tiềm năng TĐN với nhiều lợi thế nổi bật như có thể tận dụng được nguồn thuỷ năng thích ứng tốt với địa hình hiểm trở, ít gây ra các tổn thất môi trường, vốn đầu tư nhỏ, thời gian xây dựng ngắn, phù hợp với khả năng của nhiều nhà đầu tư.
Trước nhu cầu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho các mục tiêu cấp điện nông thôn miền núi và các chương trình kinh tế xã hội, những năm gần đây, Chính phủ khuyến khích phát triển khai thác năng lượng tái tạo nói chung và thuỷ điện, đặc biệt là vừa và nhỏ đã được phát triển rất nhanh về số lượng lẫn chất lượng các dự án. Nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước trong năng lượng, thuỷ điện loại vừa và loại nhỏ ở nước ta có triển vọng trở thành một thị trường hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo: Icon.evn.com.vn