Trong giai đoạn thực hiện cổ phần hoá, ĐHĐ đã tổ chức sự kiện giới thiệu về Công ty (Roadshow) tại TP.HCM và Hà Nội nhằm gặp gỡ, đàm phán với rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như SN Power, Ratchabury, RusHydro, REE và quỹ đầu tư như Vina Capital để chào bán cổ phiếu nhưng đều không thành công. Qua 2 lần chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) vào ngày tháng 30/6/2010 và 15/6/2011, chưa có tổ chức tài chính nào tham gia mua cổ phần Công ty ĐHĐ ngoài các cá nhân nhỏ lẻ. Tuy vậy, việc bán đấu giá vẫn hoàn thành và Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi ra đời, bên cạnh cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cổ đông nhỏ lẻ chủ yếu là CB.CNV của Công ty.
Nguyên nhân lớn nhất mà các tổ chức tài chính lớn không đăng ký mua cổ phần khi IPO do tình hình tài chính của Công ty quá xấu, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giai đoạn trước cổ phần hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm 65% vốn điều lệ mà chưa có cơ chế xử lý rõ ràng. Công ty ĐHĐ đã trở thành công ty cổ phần trong tình hình như vậy, với bao khó khăn chất chồng, tưởng như không thể vượt qua.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, Công ty ĐHĐ từng bước vươn lên. Sau 30 tháng hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Công ty đã đạt được lợi nhuận bù hết khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giai đoạn trước cổ phần hoá để lại. Năm 2014 là năm đầu tiên Công ty bắt đầu có lãi và chia cổ tức cho cổ đông. Từ khi cổ phần hóa đến nay, ĐHĐ liên tục đạt được kết quả sản suất kinh doanh vượt bậc với tình hình tài chính được cải thiện đáng kể, các chỉ số về đánh giá tài chính như khả năng thanh toán, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận...đều đạt vượt kế hoạch. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu năm 2011 là 1.415 tỷ đồng, ước tính đến cuối năm 2021 là 5.730 tỷ đồng, tăng 404,9 %.
Biểu đồ doanh thu và lợi nhuận của ĐHĐ từ năm 2011 đến 2021
Một cột mốc đáng nhớ là ĐHĐ đã trở thành công ty đại chúng và cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch UpCoM với mã chứng khoán DNH vào ngày 19/6/2017. So với giá bình quân chào bán năm 2011 là 10.200 đồng trên mỗi cổ phiếu thì đến nay giá cổ phiếu của DHD ở mức 38.000 đồng, tăng 372,5%.
Cổ phiếu công ty ĐHĐ (Mã DNH) chính thức giao dịch trên sàn UpCoM ngày 19/6/2017
Qua 10 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, so với bề dày lịch sử 57 năm của Công ty tính từ khi Nhà máy thủy điện Đa Nhim đưa vào vận hành năm 1964 là không quá dài, nhưng cũng đủ để đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần và công tác cổ phần hoá. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vượt bậc đã tạo tiền đề để Công ty đủ nguồn vốn đầu tư các dự án nguồn điện mới như Dự án mở rộng Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim và Dự án điện mặt trời Đa Mi. Các dự án này góp phần tăng công suất của Công ty ĐHĐ từ 642,5MW lên 770 MW.
Với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, tối đa hoá lợi nhuận, phát triển công ty theo hướng bền vững, Lãnh đạo và toàn thể CB/CNV Công ty ĐHĐ đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm được Đại hội đồng cổ đông thông qua.