Tin Công ty DHD

Gian nan dòng điện Đất Mũi

Thứ sáu, 9/4/2010 | 15:00 GMT+7
Chúng tôi thực sự háo hức khi nghe tin sẽ được về Đất Mũi Cà Mau để tìm hiểu công việc của thợ điện vùng sông nước. Đã từ lâu, tôi vẫn ước ao được một lần đứng trên chót mũi nhọn của bản đồ đất nước để lắng nghe “đất nở từng đêm, rừng đi từng bước”, được ngắm biển cả mênh mông phía trước với sự tò mò không biết bờ biển bên kia là đâu.

Hành trình về nơi “đất cũng sinh sôi”

Dù rất háo hức nhưng chúng tôi không khỏi lo lắng khi bước xuống chiếc ca nô cao tốc chòng chành 8 người ngồi vừa hết chỗ trông thật nhỏ bé trước dòng sông Cửa Lớn nhìn hút tầm mắt cũng chỉ thấy màu xanh xa xa của những cây Đước, cây Mắm lúp xúp ở bờ bên kia. Tôi hỏi nhỏ 2 nhà báo Minh Huệ và Cấn Dũng “có biết bơi không?” lập tức cả 2 đồng thanh “không hề”. Vậy đấy, tôi thất vọng hiểu ra vì sao cả 2 đang thần mặt nhìn dòng sông mênh mông cuộn chảy. Thế này thì chẳng hơn gì mình. Tôi rụt rè hỏi cậu tài công tên Thọ đang giữ vô lăng “ở đây không có áo phao à?”. “Có chứ”. “Đâu?” - tôi chưa kịp mừng thì cậu đã trả lời lạnh tanh: “Để ở nhà lận”. Ôi, tôi chỉ kịp tự an ủi rằng tất cả những người đang vùn vụt xuôi ngược trên sông kia cũng không ai có áo phao thì chiếc ca nô đã bốc dựng đầu xé nước lao đi.

Gió thổi phần phật, nước bắn ướt cả tóc. Lúc đầu tôi và chị Huệ cứ hí hửng chọn được chỗ ngồi ở phía đầu, sau mới biết đi ca nô phải ngồi cuối mới êm. Quả thật là ngồi ca nô còn “xóc” hơn đi ô tô trên đường ổ gà. Cứ mỗi lần chiếc ca nô chồm lên lao xuống trên những ngọn sóng hoặc xé gió lượn nghiêng như làm xiếc qua những khúc cua ở những ngã ba, ngã tư để rẽ trái, quẹo phải... là mọi người lại thót tim, chao người, nín thở với cảm giác đang “bay” trên mặt nước. Cậu tài công lắc đầu khi tôi hỏi phải bao nhiêu lần rẽ như vậy để đến Đất Mũi: “Nhiều lắm, con chỉ nhớ nơi có đá ngầm, bãi bồi để tránh chứ không nhớ hết được có bao nhiêu chỗ quẹo”.

Sau khoảng 10 phút, mọi người quen dần và bắt đầu chiêm ngưỡng những cánh rừng đước xanh ngút mắt hai bên bờ mênh mang lồng lộng xen lẫn tiếng sóng nước dập dờn, tiếng lá cây rì rào, tiếng gió ào ào thoang thoảng mùi tanh nồng mằn mặn đặc trưng của biển. Thú vị nhất là 2 bên bờ kênh rạch, nhà cửa, hàng quán, cửa hàng điện thoại di động, tiệm cắt tóc, quán phở, quán nhậu, vựa cá, trại thu mua tôm… nối nhau san sát, chỉ có điều hầu hết các ngôi nhà đều thưng bằng lá dừa nước đặt trên những chiếc cọc cắm xuống lòng sông tạo nên những dãy phố nổi trên mặt nước với hàng cột điện phía sau.

Lúc chiều, trên đường từ Cà Mau ra Năm Căn, tôi đã được cậu Hiếu (phó phòng kỹ thuật Điện lực Cà Mau) kể về khả năng “sinh nở” của đất đai ở Cà Mau với “thành tích” mỗi năm phù sa lấn ra biển hàng trăm mét. Đất bồi tới đâu, cây mắm mọc lên tới đó để giữ đất không bị trôi đi, sau đó cây đước nhanh chóng ùa ra với những rễ phụ đâm ra tua tủa cắm trên đất tạo ra bộ rễ hình cái nơm như hàng vạn cánh tay bấm sâu vào lòng đất, giúp cây đước đứng vững trước mọi phong ba thử thách, cứ thế "mắm đi trước mở đất, đước theo sau giữ đất" hình thành nên khu rừng ngập mặn lớn nhất của Việt Nam với diện tích tự nhiên hơn 371.506 ha, là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Phải chăng đó cũng là khả năng sinh tồn kỳ diệu và độc đáo trời đất ban cho Đất Mũi Cà Mau, là nguồn cảm hứng cho nhạc sỹ Hoàng Hiệp  viết nên bài hát nổi tiếng về Đất Mũi: “Miền quê hương em đất cũng sinh sôi…  Một hạt phù xa lấn biển thêm rừng”.

Tôi không thể quên cảm giác bồi hồi khi được đặt chân lên xóm Mũi, khi đứng ngắm điểm tọa độ GPS 0001 trên nền bông hoa sen sáu cánh và chụp hình kỷ niệm bên tượng đài có hình dáng chiếc thuyền với dòng chữ Mũi Cà Mau 8O.37’.30" vĩ độ Bắc, 104O.43! kinh độ Đông. Mấy anh “thổ công” cho biết lên đài quan sát cao sẽ thấy "mũi nhọn" trên bản đồ hình chữ S nằm ở phía Đông, doi đất nhỏ xíu cuối cùng vươn ra biển. Chỉ một điều lăn tăn là đã 35 năm được giải phóng nhưng Đất Mũi vẫn chưa nối được đất liền nên tất cả mọi chuyện học hành, chợ búa, ma chay, cưới xin của người dân Ngọc Hiển đều sử dụng phương tiện duy nhất là bằng xuồng ghe, khá bất tiện và tốn kém với những tai họa rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đất Mũi đêm xuống thật nhanh và kỳ diệu với hơi gió mặn mòi của biển và bữa ăn toàn các món cá. Chúng tôi hơi buồn vì không được ngủ lại Đất Mũi để nghe đất nở trong đêm, nghe cây đước, mắm tách đất chui lên, nghe dàn giao hưởng bất tận của muỗi rừng đước vì ở đây đang trong thời kỳ tu sửa nên không có chỗ nghỉ lại.

Rời Đất Mũi lúc trời đã tối hẳn, lòng chưa hết nao nao lưu luyến, chúng tôi đã giật mình hoảng hốt vì ông chủ gọi điện yêu cầu ở lại, lý do là cậu tài công chưa bao giờ chở khách đi đêm nên rất nguy hiểm. Tiến thoái lưỡng nan, sau khi bàn bạc, lại được sự quyết tâm của tài công, mọi người quyết định đề nghị ông chủ cứ cho đoàn về, tài công sẽ đi chậm cho an toàn. Trên ca nô bỗng trật tự hẳn, chỉ còn tiếng khấn lầm rầm của chị Huệ huy động tất cả Trời Phật, Thổ công, Thủy thần, Hà Bá che chở phù hộ cho cả đoàn được an toàn.

Dọc 2 bên bờ vẫn những dãy phố nổi với ánh điện sáng trưng nhưng lòng dạ mọi người còn gửi gắm cả vào cậu tài công. Chỉ có Cấn Dũng thỉnh thoảng đưa máy ảnh lên bấm hú họa trong đêm. Ông chủ ca nô quá sốt ruột ra tận bến chờ và thở phào nhẹ nhõm khi cả đoàn an toàn.

Lên bờ rồi chị Huệ mới thì thào vào tai tôi “thật là một chuyến đi liều lĩnh”. Nhà báo Cấn Dũng hôm sau mới thú nhận là rất run, chỉ lo chẳng may ca nô đâm vào cọc đáy nào đó giữa sông thì có gọi được người ra cứu mình cũng trôi tới cửa biển rồi. Còn tôi, khi đã chìm vào giấc ngủ vẫn còn cảm giác mình đang bập bềnh nhấp nhô theo từng con sóng. Tôi lại nhớ câu nói của anh Hùng, Phó giám đốc chi nhánh điện Năm Căn: “Thợ điện Đất Mũi toàn đi thu tiền điện, bảo dưỡng đường dây bằng ca nô, thuyền máy như thế. Vất vả mãi thành quen rồi”.

Nhọc nhằn đưa điện về Đất Mũi

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi ca nô cao tốc lướt sóng đến xã Tân Ân Tây, nơi chi nhánh điện Ngọc Hiển đang thực hiện cải tạo lưới điện nông thôn. Mới cuối tháng 3 mà trời Cà Mau đã nắng chói chang. Trên bờ các vuông nuôi tôm, đất khô nẻ lọt cả bàn chân, chỉ đi không đã thấy khó khăn nhưng 5 anh thợ điện lưng áo ướt đẫm mồ hôi vẫn đang gò lưng kéo cáp để thay  trục dây điện cũ. Không hiểu sao tôi cứ lăn tăn, nếu chẳng may ai đó trượt chân lọt vào những vết nẻ kia thì khó mà rút chân lên được.

Anh Đoàn Hồng Điệp, Phó giám đốc chi nhánh điện Ngọc Hiển cho biết, đây là đoạn thi công thuận lợi nhất vì được đi trên bờ vuông khô ráo. Nếu trời mưa, đất ở đây sẽ trơn lầy không nhấc nổi chân. Hầu hết việc vận chuyển cột điện, kéo dây không có đường bộ mà phải vận chuyển bằng ghe thuyền bè mảng, phải kéo dây, khiêng cột qua các bãi sình lầy. Đất phù sa dẻo quánh ngập qua đầu gối, rút được chân này thì chân kia lại “lưu luyến” trong bùn. Anh em phải cởi bỏ quần dài, đi chân đất mới lội bùn được. Thế nhưng theo các anh thì vẫn không ngại bằng đi thu tiền điện. Bởi lẽ, kéo dây dựng cột thì có thời vụ, còn thu tiền, bảo dưỡng là công việc “đến hẹn lại lên” quanh năm suốt tháng.

Để kéo điện về Đất Mũi, suất đầu tư bình quân khoảng 30 triệu đồng/hộ vì dân ở rất thưa, mỗi trạm điện chỉ phục vụ được khoảng 40 khách hàng, có trạm chỉ 5- 7 khách hàng, trong khi các hộ tiêu thụ điện công nghiệp chưa có, mỗi hộ chỉ dùng khoảng 20.000 – 50.000 đồng/tháng, thậm chí chi phí xăng dầu để chạy ghe xuồng đi thu tiền còn nhiều hơn cả tiền điện (chẳng thế mà trong báo cáo của Điện lực Cà Mau, chỉ tiêu kinh doanh là phấn đấu… giảm lỗ).

Nhìn những hàng cột điện giăng giăng ẩn hiện trong rừng đước, tôi càng thấu hiểu sự vất vả của thợ điện vùng sông nước. Hiện nay, Điện lực Cà Mau đã có 6 trạm 110KV, hàng chục ngàn km đường dây trung thế và hạ thế, 3.945 trạm biến áp với tổng dung lượng tới 134.300 kVA, cấp điện đến trung tâm 8 huyện, 1 thành phố và 99 xã phường, nâng số hộ nông thôn có điện lưới quốc gia lên 216.759 hộ, đạt 91,3%. Trong năm 2010, Điện lực Cà Mau tiếp tục đăng ký các nguồn vốn vay RE II bổ sung, ADB, JIBIC để đưa điện về nông thôn. Đó cũng là hy vọng của tất cả mọi người dân Đất Mũi mong người lớn có ti vi xem, trẻ em có điện để học. Đó cũng là mục tiêu của ngành Điện trong việc điện khí hóa nông thôn.

Theo: Công thương