Tin Công ty DHD

Chai nước mắm nghĩa tình

Thứ sáu, 9/2/2018 | 08:22 GMT+7
La Ngà là một nhánh sông lớn ở bờ trái lưu vực sông Đồng Nai với tổng chiều dài 270 km, chảy từ cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh xuống đồng bằng La Ngà thuộc huyện Tánh Linh, Đức Linh tỉnh Bình Thuận rồi vào hồ Trị An.

H1. Chai nước mắm nghĩa tình

Trước khi công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đưa vào vận hành (năm 2001), đồng bằng La Ngà với tiềm năng đất đai là 80.133 ha trong đó đất canh tác là 72.033 ha, nhưng gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất vì thiếu nước vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa. Diện tích tưới từ dòng sông La Ngà  năm 2000 chỉ khoảng 1.200 ha và chỉ gieo trồng một vụ và diện tích ngập lụt hàng năm lên đến 11.000 ha. Từ khi công trình Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi đi vào vận hành đến nay (đầu năm 2018), diện tích tưới từ sông La Ngà đã tăng lên 17.500 ha với 3 vụ & vào mùa lũ, không còn tình trạng ngập lụt do sông La Ngà gây ra.

Công trình thủy điện Hàm Thuận Đa Mi đạt cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”.

Thiên thời ở đây là nhờ yếu tố thủy văn thuận lợi. Với diện tích lưu vực 1280km2 của cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh, nơi có lượng mưa khá cao (bình quân trên 1800 mm/năm) đã tạo ra dòng chảy dồi dào với lưu lượng trung bình nhiều năm là 52,3 m3/s cho sông La Ngà.

Yếu tố “địa lợi” đã xây dựng nên hồ Hàm Thuận với dung tích tổng là 695 triệu m3 (dung tích hữu ích 523 triệu m3). Hồ Hàm Thuận kết hợp với hồ Đa Mi không chỉ dùng để phát điện với tổng công suất 475 MW, điện lượng bình quân nhiều năm 1,52 tỷ kwh mà còn có khả năng điều tiết nhiều năm, làm tăng lưu lượng mùa khô từ 6m3/s (khi chưa có công trình) lên hơn 30 m3/s đồng thời cắt lũ hoàn toàn trên đoạn sông Là Ngà, khu vực sau công trình thuộc tỉnh Bình Thuận. 

Yếu tố “nhân hòa” không kém phần quan trọng. Từ khi có công trình, Công ty đã phối hợp nhịp nhàng với các Cơ quan liên quan của tỉnh Bình Thuận như UBND tỉnh, Sở Nông Nghiệp Bình Thuận, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy Lợi Bình Thuận, UBND các huyện Đức Linh, Tánh Linh trong việc vận hành hồ chứa để điều tiết lượng nước cấp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho việc gieo trồng, sản xuất theo mùa vụ của hai huyện Tánh Linh, Đức Linh

Công ty và các cơ quan nêu trên đã xây dựng quy chế phối hợp và triển khai nhịp nhàng trong nhiều năm qua. Thông qua quy chế, các bên đã xây dựng kế hoạch cấp nước cho từng mùa vụ; Cung cấp kịp thời thông tin cho nhau để sẳn sàng điều chỉnh thích ứng với các nhu cầu sử dụng nước của hạ du. Nhờ đó, diện tích gieo trồng vượt qua con số 12.000 ha khi thiết kế công trình, đạt  17.500ha ( 3vụ) năm 2018 và còn có khả năng tăng lên đến 77.600 ha sau khi hồ thủy lợi La Ngà 3 đưa vào vận hành.

Có thể nói Công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi là một trong những công trình đem lại lợi ích to lớn cho đồng bào khu vực hạ du. Trong mùa khô, đã gia tăng lượng nước tưới vô cùng quý giá và trong mùa lũ , tính cho đến nay đã cắt hoàn toàn các cơn lũ về đồng bằng La Ngà.

Hàng năm, khi mỗi độ xuân về, thay mặt cho nhân dân huyện Đức Linh, Tánh Linh nói riêng, nhân dân tỉnh Bình Thuận nói chung, Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông Nghiệp Bình Thuận, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy Lợi Bình Thuận, UBND các huyện Đức Linh, Tánh Linh đều đến thăm và chúc tết CBCNV Công ty CPTĐ Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Một món quà không thể thiếu mà họ mang theo đó là những chai nước mắm, đặc sản của Bình Thuận để tặng cho CBCNV Công ty. Những chai nước mắm nghĩa tình ấy thể hiện được sự đồng cảm của nhân dân vùng hạ du với những cống hiến của những người làm công tác thủy điện, dạt dào như nước của dòng sông La Ngà.        

Diệp Chí Hiếu