Nhà máy thủy điện Đa Nhim đi vào vận hành vào tháng 12 năm 1964 bao gồm 4 tổ máy với tổng công suất 160MW. Nhà máy Đa Nhim cung cấp khoảng 1tỷ kWh/năm cho lưới điện quốc gia và hơn 550 triệu m3 nước cho đồng bằng huyện Ninh Sơn và Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Sau hơn 50 vận hành, nhà máy thủy điện Đa Nhim đã đóng góp cho đất nước khoảng 40 tỷ kWh điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
H1. Toàn cảnh nhà máy Thủy điện Đa Nhim
Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trên cả nước đặc biệt là khu vực miền Nam, từ năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi lập báo cáo nghiên cứu bổ sung dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim vào tổng sơ đồ điện VII. Chính phủ đã đồng ý bổ sung với công suất 80MW. Ngày 12/12/2015, dự án mở rộng Nhà máyThủy điện Đa Nhim đã được khởi công với quy mô 01 tổ máy lắp mới, công suất định mức 80 MW. Sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của Nhà máy Đa Nhim từ 160 MW lên 240 MW. Khi nâng công suất dẫn đến chế độ vận hành của nhà máy Đa Nhim thay đổi. Trước đây các tổ máy nhà máy Đa Nhim được thiết kế theo hợp bộ máy phát - máy biến áp không có máy cắt đầu cực mà chỉ có máy cắt phía cao áp 230KV của MBA chính, việc cấp điện cho tự dùng khi ngừng hoàn toàn các tổ máy là không thể tiến hành tự động được.
Trước tình hình đó để đảm bảo linh hoạt trong công tác vận hành cùng với các mục tiêu chiến lược phát triển của Công ty, Ban Tổng giám đốc công ty đã quyết định lắp thêm máy cắt đầu cực cho 4 tổ máy Đa Nhim. Công việc lắp thêm máy cắt đầu cực bao gồm tính chọn máy cắt phù hợp, thiết kế lại hệ thống bảo vệ, hiệu chỉnh đấu nối phần cứng, lập trình lại cho PLC và DCS, thi công và thử nghiệm lại toàn bộ Fault, Sequence chạy ngừng tổ máy và Sequence sự cố.
H2. Máy cắt đầu cực 503-3 đã được đóng/ ngắt từ DCS
Việc lập trình cho PLC & DCS gặp 1 số khó khăn do không có công cụ, phần mềm để thử nghiệm vận hành mô phỏng như của các nhà sản xuất hệ thống điều khiển. Tuy nhiên, nhờ tổ chức kiểm tra, góp ý kỹ lưỡng nên khi tiến hành thử nghiệm ướt (commisioning test) hiệu chỉnh rất ít, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Công tác chuẩn bị tài liệu thi công, lập kế hoạch thử nghiệm, hiệu chỉnh quy trình vận hành và xử lý sự cố, biên soạn quy định chế độ vận hành, tổ chức huấn luyện cho nhân viên vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân sự thi công, lập tiến độ thực hiện đã thực hiện hoàn chỉnh.
Việc thực hiện thành công dự án đã khẳng định năng lực của đội ngũ kỹ thuật DHD về khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, khả năng phối hợp làm việc theo nhóm hiệu quả để thành công từ công tác thiết kế đến thực hiện thi công. Bên cạnh những thành quả đã đạt được mở ra những cơ hội hợp tác, có thể ứng dụng, triển khai đến các hệ thống điều khiển của nhà máy thuỷ điện có sử dụng hệ thống hệ thống Alspa P320 của Alstom.
Diep Chi Hieu