Khoản vay 37 triệu USD bao gồm 4 phần: Khoản vay thương mại của ADB là 17,6 triệu USD, khoản vay từ Quỹ biến đổi khí hậu Canada cho khu vực tư nhân ở Châu Á là 15 triệu USD và khoản vay từ Quỹ Cơ sở Hạ tầng Khu vực tư nhân Hàng đầu Châu Á (LEAP) được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 4,4 triệu USD.
Đại diện ĐHĐ và ADB tại Lễ ký kết Thỏa thuận vay vốn
Đại diện bên vay vốn, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty ĐHĐ phát biểu tại buổi lễ: “Trong quá khứ, chúng tôi đã nhận viện trợ của Chính phủ Nhật Bản và vay lại khoản vay JBIC thông qua EVN, sử dụng vốn vay JICA để xây dựng Nhà máy thủy điện Đa Nhim (1961-1964), Dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (1997 - 2001), Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim (2004 -2006), Dự án mở rộng nhà máy điện Đa Nhim. Các khoản vay này đều có bảo lãnh của Chính phủ để phát triển dự án. Tuy nhiên, hôm nay là một ngày đặc biệt, đánh dấu cột mốc quan trọng của ĐHĐ - lần đầu tiên một công ty con của Tổng công ty Phát điện 1, thuộc EVN vay vốn quốc tế mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, không cần bảo lãnh của EVN. Để đạt được kết quả như hôm nay, ĐHĐ chỉ dựa vào uy tín, tiềm lực tài chính của mình và đã tiến hành giao dịch theo thông lệ thị trường tài chính quốc tế để được tài trợ dự án. Qua dự án này, chúng tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm không chỉ về mặt huy động vốn mà còn cả về việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về công tác môi trường và xã hội để phát triển bền vững hơn trong tương lai. Hơn nữa, ĐHĐ có thêm một đối tác là ADB, có thêm nhiều người bạn. ĐHĐ hy vọng sẽ có cơ hội tiếp tục hợp tác với ADB để đầu tư thực hiện các dự án trong tương lai mà chúng tôi đang ấp ủ”.
Ngay sau lễ ký Thỏa thuận vay vốn, ADB đã ra thông cáo báo chí về sự kiện ký kết thỏa thuận vay vốn để thực hiện Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Ông Christopher Thieme, Phó Tổng Vụ trưởng, Vụ Nghiệp vụ Khu vực Tư nhân của ADB nhận định: “Dự án sẽ giúp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất năng lượng của Việt Nam, và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu như than đá. Việc kết hợp hai công nghệ năng lượng sạch này - thủy điện và điện mặt trời - là một thanh tựu giản đơn nhưng rất sáng tạo có thể được nhân rộng ở những nơi khác ở Việt Nam và trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương.”
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty ĐHĐ, ông Nguyễn Trọng Oánh, chia sẻ: “Chúng tôi tự hào là công ty đầu tiên ở Việt Nam xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện. Dự án này phù hợp với chiến lược đầu tư vào năng lượng tái tạo của ĐHĐ để giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Các hồ thủy điện ở miền Nam Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời rất lớn. Với lợi thế là mối quan hệ gắn kết giữa EVN và ADB, chúng tôi đã làm việc cùng nhau để thúc đẩy phát triển một nguồn năng lượng mới cho đất nước”.
Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng tại xã La Ngâu huyện Tánh Linh và xã Đa Mi, xã La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Dự án có công suất 47,5 MWp được kết nối từ 06 mảng pin mặt trời với tổng cộng 143.940 tấm pin được lắp đặt trên hệ thống phao nổi trên mặt hồ thủy điện Đa Mi. Được bắt đầu khởi công xây dựng và lắp đặt từ tháng 8/2018, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi chính đi vào vận hành thương mại vào ngày 01/06/2019, vượt tiến độ 01 tháng so với kế hoạch. Kể từ khi đi vào hoạt động, thông số vận hành cho thấy các mảng pin hoạt động ổn định, hiệu suất cao, đạt yêu cầu của thiết kế kỹ thuật.