4 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh: Được gì? Chia sẻ 5 Sau 4 năm vận hành (1/7/2012 - 1/7/2016), thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam liệu có hoạt động hiệu quả, tạo được môi trường cạnh tranh công khai, bình đẳng giữa các đơn vị tham gia hay không? Thị trường phát điện cạnh tranh đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả Tìm câu trả lời Theo Cục Điều tiết Điện lực, tính đến hết tháng 6/2016, đã có 72/115 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh, với tổng công suất đặt 16.719 MW, tăng 2,3 lần so với tháng 7/2012 và chiếm 45% công suất toàn hệ thống.
Kể từ khi đi vào hoạt động, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) luôn vận hành an toàn, tin cậy; tạo được sự minh bạch, công bằng trong huy động công suất các nguồn điện thông qua bản chào giá của các nhà máy; giá bán điện được thiết lập theo quy luật cung - cầu khách quan. VCGM đang hoạt động ngày càng hiệu quả, có sức thu hút lớn đối với các nhà máy phát điện, nhất là các nhà máy mới khánh thành và lần đầu tham gia thị trường. “Hoạt động theo cơ chế thị trường đã góp phần tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả và giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, bước đầu, thị trường phát điện đã có được những tín hiệu tích cực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện năng”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục Trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết. Đó là đánh giá của đại diện cơ quan quản lý nhà nước. Để tìm câu trả lời từ phía các đơn vị trực tiếp tham gia VCGM, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Lộc - Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD). Ông Lộc cho biết: “Tham gia VCGM ngay từ những ngày đầu (1/7/2012), đến nay hoạt động sản xuất - kinh doanh từ sản xuất điện của DHD luôn đạt hiệu quả cao, doanh thu và lợi nhuận đạt và vượt mức kế hoạch giao”. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào tham gia VCGM cũng có được thành công như DHD. Chia sẻ kinh nghiệm chào giá hiệu quả trên thị trường phát điện cạnh tranh, theo ông Lộc: “Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu từ các nhà máy phải được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; nâng cao chất lượng bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, luôn sẵn sàng cung cấp điện theo yêu cầu vận hành của thị trường. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ thực hiện khâu chào giá phải là những người chuyên trách, được đào tạo chuyên sâu; nắm rõ những quy trình, quy định… về thị trường phát điện”. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý Tuy đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng theo Cục Điều tiết Điện lực, để thị trường phát điện cạnh tranh vận hành hiệu quả hơn, đặc biệt là khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) sẽ đi vào thí điểm trong thời gian tới, vẫn còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, số lượng các nhà máy điện chưa tham gia vào thị trường vẫn còn nhiều, chiếm 55% tổng công suất toàn hệ thống; một số nhà máy điện mới tham gia thị trường điện, nên chưa hoàn chỉnh hệ thống Scada, dẫn đến tình trạng mất tín hiệu Scada kéo dài; hạ tầng CNTT phục vụ thị trường điện mới chỉ đáp ứng được yêu cầu cơ bản... Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, ban hành cơ chế đưa các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện thuộc khu công nghiệp bán sản lượng điện không sử dụng hết, nhà máy điện BOT… từng bước tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Ngoài ra, Cục Điều tiết Điện lực cũng đang xây dựng các quy trình, bảo đảm hành lang pháp lý cho thị trường điện vận hành an toàn, tin cậy. Hiện nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt Thiết kế tổng thể kết cấu hạ tầng CNTT phục vụ vận hành và giám sát hoạt động của VWEM. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã lập Đề án Kết cấu hạ tầng CNTT và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Đây là những cơ sở pháp lý cần thiết để các đơn vị triển khai thực hiện, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... tham gia VWEM một cách hiệu quả. Theo Cục Điều tiết Điện lực, sau 6 tháng thí điểm VWEM trên giấy, đến nay, các tổng công ty điện lực đã quen dần với việc tính toán, xác nhận bảng kê, bước đầu tìm hiểu các quy định thị trường điện và hợp đồng mua bán điện...; đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của công tác dự báo phụ tải và đang tích cực nghiên cứu, triển khai thực hiện. Sau 1 năm vận hành thí điểm trên giấy,VWEM sẽ được đưa vào thực tế vận hành thí điểm trong 2 năm (2017-2018) và sẽ vận hành chính thức từ năm 2019.
theo Dân trí