Đến dự buổi diễn tập có ông Đinh Văn Hoàng - Chủ tịch thị trấn D’Ran - huyện Đơn Dương, ông Bùi Nhâm Hiến (Phó quản đốc Phân xưởng vận hành Đa Nhim - Sông Pha), Ủy viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN, các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN, đội xung kích PCTT&TKCN Công ty, Phòng Kỹ thuật và An toàn và Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật.
Ông Đinh Văn Hoàng (áo trắng) - Chủ tịch Thị trấn D’Ran và đội xung kích PCTT&TKCN tham gia diễn tập
Theo phương án diễn tập PCTT&TKCN công trình Thủy điện Đa Nhim năm 2023 đã được duyệt, đợt diễn tập lần này thực hiện theo 02 kịch bản giả định. Vào lúc 08 giờ 25 phút, ông Bùi Nhâm Hiến phát lệnh bắt đầu công tác diễn tập.
Kịch bản giả định thứ nhất: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão, khu vực huyện Đơn Dương đang có gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 và mưa lớn. Lượng mưa trung bình trên lưu vực hồ thủy điện Đơn Dương lên đến 400mm, lũ xuất hiện trên hồ và Công ty đang xả lũ qua cửa tràn với lưu lượng 400 m³/s.
Trong khi đang xả lũ thì xảy ra sự cố làm mất toàn bộ nguồn cấp từ tuyến 471 Đa Nhim và tuyến 473 Càn Rang. Ca đương phiên lập tức thực hiện khởi động máy phát Diesel 200kVA đặt tại đập tràn và chuyển nguồn đập tràn sang nhận điện từ máy phát Diesel để tiếp tục vận hành cửa tràn. Khi đang phát điện thì máy phát Diesel bị sét đánh hỏng không thể cấp điện cho đập tràn xả lũ. Trưởng ca Đa Nhim ra lệnh sử dụng động cơ xăng để tăng, giảm độ mở cửa tràn theo quy trình vận hành, đảm bảo an toàn cho hồ đập và hạ du huyện Đơn Dương. Việc sử dụng động cơ xăng để đóng mở cửa tràn thay cho việc thao tác bằng tay trước kia đã nâng cao hiệu quả trong vận hành cửa tràn trong trường hợp mất điện toàn bộ tại khu vực đập tràn Đơn Dương.
Khởi động máy phát Diesel để cấp điện cho đập tràn
Đội diễn tập thao tác lắp động cơ xăng để kéo cửa tràn
Kịch bản giả định thứ hai: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to trên toàn lưu vực, hình thành lũ lớn về hồ Đơn Dương và đập tràn Đơn Dương đang xả lũ. Trong quá trình kiểm tra, nhân viên quan trắc phát hiện mạch sủi tại chân đập phía đầu Tây. Ban chỉ huy PCTT&TKCN lập tức chỉ đạo Đội xung kích chủ động khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn đập. Sau khi nhận được thông tin, Đội xung kích nhanh chóng tập trung, di chuyển đến đập Đơn Dương để xử lý mạch sủi. Đội xung kích được chia làm 2 nhóm lập tức triển khai nhiệm vụ.
Nhóm 1 nhanh chóng tập hợp các vật tư gồm thùng tôn (thùng tôn đã được gia công sẵn, dạng trụ tròn xoay đường kính 0,8m, cao 1,2m, thông đáy), cọc sắt, cuốc, búa, vải địa kỹ thuật và các dụng cụ khác tại đập tràn, sử dụng xe cẩu để vận chuyển ra hiện trường và chủ trì xử lý mạch sủi.
Tập hợp vật tư PCLB để vận chuyển đến nơi xuất hiện mạch sủi
Diễn tập tạo tầng lọc để xử lý mạch sủi
Nhóm 2 xuất phát cùng lúc với Nhóm 1 nhanh chóng cho cát, đá vào bao chuyển lên xe tải chở ra hiện trường. Tại hiện trường, hai nhóm phối hợp sử dụng thùng tôn, vải địa kỹ thuật, bao cát và đá tạo thành một tầng lọc, không để mạch sủi mang bùn, đất từ trong hồ ra ngoài, đảm bảo an toàn hồ chứa.
Đến 10 giờ 40 phút thì mạch sủi đã được xử lý thành công, kết thúc diễn tập.
Sau hơn 2 giờ thực hiện diễn tập các tình huống, bằng tinh thần trách nhiệm cao, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, các thành viên đã thực hiện suất sắc nhiệm vụ theo đúng phương án đã đề ra.
Hoạt động diễn tập PCTT&TKCN là hoạt động thường niên của Công ty trước các mùa mưa bão, nhằm mục đích nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và tăng cường tính chủ động trong công tác PCTT&TKCN, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. Đợt diễn tập cũng nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của Ban chỉ huy PCTT&TKCN; nâng cao kỹ năng ứng phó, giải quyết kịp thời các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn hồ đập, đồng thời thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ khi có bão, lũ xảy ra nhằm đảm bảo công tác phát điện an toàn liên tục.