Tại Lâm Đồng, dưới sự hướng dẫn của Kỹ sư Lê Xuân Phong, Đoàn đã đi tham quan các nhà máy thủy điện Hàm Thuận, Hồ thủy điện Đa Mi. Các nhạc sĩ thực sự ấn tượng về sự hiện đại, điều khiển tự động tại nhà máy thủy điện Hàm Thuận và thực sự cảm động khi tại nhà máy Hàm Thuận - nơi sản xuất ra điện năng cho đất nước - nhưng các cán bộ vận hành vẫn thực hiện triệt để phương châm tiết kiệm điện. Đoàn thực sự ngưỡng mộ vẻ đẹp thiên nhiên, dưới làn sương mù mờ mờ ảo ảo của hồ Đa Mi với làn nước trong xanh nằm ở lưng chừng núi. Những con đường dẫn đến thủy điện quá ấn tượng và đẹp đến nỗi rất nhiều nhạc sĩ đã xướng âm bài hát ngay khi đang tham quan. Nhạc sĩ Hoàng Mạnh Toàn đã ngẫu hứng với ca khúc “Hãy đến với DHD” qua lời ca rất chân thành và cảm động: “Giữa một vùng rừng núi, một hồ nước mênh mông, nơi dòng sông ngừng lại, cùng ta làm nên nguồn điện sáng ...”
Buổi tối, Đoàn Nhạc sĩ được giao lưu với lãnh đạo và cán bộ nhân viên của Công ty DHD, và các nhạc sĩ cũng một lần nữa rất ấn tượng với các giọng ca cây nhà lá vườn với rất nhiều các bài hát về Công ty DHD được các ca sĩ nghiệp dư hát say sưa và sôi nổi, đặc biệt là các bài hát về thủy điện Đa Nhim lâu đời.
Thay mặt Đoàn nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, NS. Nguyễn Đức Trung chân thành cám ơn Lãnh đạo và cán bộ nhân viên Công ty đã đón tiếp Đoàn nồng nhiệt chu đáo và tổ chức buổi giao lưu hết sức có ý nghĩa. NS Nguyễn Đức Trung tin chắc rằng các nhạc sĩ của Đoàn chắc chắn sẽ có nhiều cảm xúc để viết về các công trình điện của đất nước.
Chia tay Công ty DHD, Đoàn đi từ Bảo Lộc về Gia Nghĩa – Đắc Nông theo đường Thủy điện Đồng Nai 4 dưới sự hướng dẫn của Kỹ sư Nguyễn Văn Liên (PECC3) đến tham quan đập thủy điện Đồng Nai 4 của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành.
Nhìn cảnh đập hùng vĩ ngay trong “rừng thiêng nước độc”, các nhạc sĩ thực sự cảm động về sự đóng góp quá to lớn của Ngành điện Việt Nam và chăm chú lắng nghe KS Nguyễn Văn Liên thuyết trình về quá trình xây dựng đập cũng như các công nghệ thi công. Đập thủy điện Đồng Nai 4 là đập có chiều cao 128 mét (là một trong mười đập cao nhất thế giới) được thi công bằng công nghệ hiện đại là bê tông đầm lăn (RCC), được khởi công từ năm 2005 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012 với công suất lắp máy phát điện 2 tổ máy là 380 MW.
Đoàn dừng chân tại đỉnh đập Đồng Nai 4 bên vai phải của đập để tiếp tục chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của nó. Tại đây, các nhạc sĩ rất cảm động đốt nén nhang để tri ân những cán bộ kỹ sư đã hy sinh tại công trường do các tai nạn lao động thuộc nhiều rủi ro trong quá trình thi công. Các nhạc sĩ đã rất cảm phục trước tình yêu và sự hi sinh lớn lao của các cán bộ kỹ sư của EVN. Dẫu biết rất gian khổ, hiểm nguy nhưng với tình yêu dòng điện mãnh liệt họ vẫn đến với những công trường đầy gian khó để góp sức dựng xây những công trình của đất nước.
Đoàn tham quan đến hồ Thủy điện Đồng Nai 3 đã được tích nước để phát điện. Từ trên cao nhìn xuống hồ trông thật thơ mộng. Đập thủy điện Đồng Nai 3 giờ đây trông như một bức vách ngăn nước. Tại đây, Đoàn đã thực hiện rất nhiều cảnh phim tư liệu, NS Hoàng Mạnh Toàn đã thực hiện phóng sự và lấy cảm xúc của tất cả các nhạc sĩ. NS Thái Hoàng Anh không thể không thốt lên cảm xúc trong bài hát của mình khi nói về vấn đề “cho điện sáng đến mọi nhà” rằng: “Ai ơi, có thấu chăng nơi rừng thiêng nước độc! Có những người đã ngã xuống cho dòng điện hôm nay...”.
Đoàn đến Đắk Nông và xuôi đường Hồ Chí Minh về lại thành phố. Trên đường về, thay mặt cho những người thợ điện, kỹ sư Trần Quốc Điền (PECC3) đã cám ơn các nhạc sĩ đã bỏ công lặn lội lên các công trình nơi “rừng thiêng, nước độc” để chia sẻ những nỗi gian khó của cán bộ kỹ sư ngành Điện khi xây dựng và sản xuất ra điện phục vụ cho nền kinh tế. Hy vọng các nhạc sĩ sẽ là những cán bộ tuyên truyền để nhân dân thấy được nỗi gian lao vất vả của những người thợ điện và hưởng ứng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm điện.