* Vẫn tái diễn tình trạng vi phạm
Dọc theo bờ sông Đa Nhim, từ đập Đơn Dương về phía hạ du, đâu đâu cũng thấy người dân canh tác rau màu ngay sát lòng sông. Thậm chí có hộ dân còn tự ý xây dựng nhà ở kiên cố vi phạm hành thoát lũ. Lòng sông nhiều nơi chỉ như con suối hẹp gây cản trở rất lớn đến dòng chảy mỗi khi hồ thuỷ điện xả lũ. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm và khá phổ biến ở hạ du sông Đa Nhim.
Thống kê của UBND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trong mùa lũ năm ngoái cho thấy, mặc dù hồ Đơn Dương chỉ xả tràn tối đa là 504 m3/s trong thời gian ngắn đã gây ngập lụt và thiệt hại đáng kể cho vùng hạ du. Trong khi thiết kế và theo quy trình xả lũ hiện hành, hồ Đơn Dương được phép xả tràn đến 4.500m3/s và mức thông thoáng dòng chảy khi xả tràn đến 800m3/s.
Chính vì lẽ đó mà biết bao mùa lũ đã qua đi và thống kê về tình hình thiệt hại của các địa phương ở hạ du các công trình thuỷ điện là không nhỏ nhưng xem ra một số địa phương do chưa cắm mốc quy định hành lang thoát lũ nên người dân không biết đã canh tác trong hành lang vào mùa lũ, thậm chí còn canh tác ngay trong lòng sông khi vào mùa cạn. Chưa kể về phía thượng nguồn hồ Đơn Dương và bờ tây của hồ, cây mai dương mọc rất nhiều, làm cản trở dòng chảy khi thoát lũ.
Trên thực tế, năm 2010, mặc dù xuất hiện đến 5 cơn lũ về hồ Đơn Dương; trong đó, cơn lũ số 4 với đỉnh lũ cao nhất là 698 m3/s, tổng lượng lũ trên 128,1 triệu m3. Đây là cơn lũ có đặc tính rất phức tạp với 3 đỉnh lũ và đuôi lũ kéo dài trong nhiều giờ. Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, hồ Đơn Dương phải điều tiết xả lũ với lưu lượng xả lớn nhất là 504 m3/s, tổng lượng xả gần 63,2 triệu m3, cắt lũ hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại đáng kể cho hạ du sông Đa Nhim.
* Tăng cường sự phối hợp
Do tình hình thuỷ văn diễn biến ngày càng phức tạp và xuất hiện nhiều chủ đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện trên cùng một dòng sông nên việc tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan là vấn đề rất cần thiết. Năm nay, ngoài thực hiện quy trình về PCLB hàng năm, các công ty thuỷ điện đã xây dựng nhiều quy chế phối hợp với các chủ đập quản lý hồ chứa nằm trên cùng một lưu vực sông; phối hợp với Trung tâm khí tượng thuỷ văn (TTKTTV), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) các tỉnh, huyện trong công tác bảo đảm an toàn đập và điều tiết khi các hồ thuỷ điện xả lũ.
Cụ thể, Công ty thuỷ điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (EVNHPC DHD) đã có Cơ chế phối hợp với 8 chủ đập quản lý 13 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 2.210,6 MW trên lưu vực sông Đồng Nai như Trị An, Đăk R’Tih, Đồng Nai 4, 3, 2, Đa Dâng 2, Đa M’Bri, Bảo Lộc, Hàm Thuận, Đa Mi, Đa Khai, Đa Nhim và Đại Ninh về việc vận hành điều tiết các hồ chứa nhằm giảm lũ cho hạ du. Cơ chế này cũng quy định trách nhiệm cụ thể của mỗi chủ đập thuỷ điện khi xả lũ ở điều kiện bình thường và bất thường có khả năng vỡ đập.
Bên cạnh đó, EVNHPC DHD còn xây dựng Quy chế phối hợp với TTKTTV các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận trong công tác PCLB và vận hành các hồ chứa Đơn Dương, Hàm Thuận, Đa Mi; đồng thời đề nghị Uỷ ban PCLB các huyện Đơn Dương, Đức Trọng cử một thành viên tham gia trực tiếp vào BCH PCLB của công ty. Công ty còn chuẩn bị phối hợp với các bên liên quan tổ chức diễn tập PCLB đối với đập Đơn Dương, đưa ra các tình huống giả định mất an toàn cho đập, giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn cho hạ du. Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 hiện đã cắm mốc hành lang bảo vệ an toàn lòng hồ Hàm Thuận, Đa Mi và Đơn Dương….
* Trách nhiệm của địa phương
Thực tế qua mùa lũ các năm trước cho thấy, ở đâu, chính quyền địa phương có trách nhiệm và “vào cuộc” một cách rốt ráo thì nơi đó, mức độ thiệt hại về tài sản của nhân dân ở hạ du khi hồ thuỷ điện xả lũ sẽ ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, các chủ đập thuỷ điện trước khi xả lũ cũng phải chủ động thông tin kịp thời tới chính quyền địa phương về mức xả và thời gian xả lũ.
Cuối tháng 4 vừa qua, BCH PCLB&TKCN tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi và các chủ hồ chứa trong việc cung cấp các thông tin, số liệu điều tiết, vận hành các hồ chứa, lưu lượng nước vào hồ, lưu lượng xả… để cảnh báo, dự báo lũ cho vùng hạ du cũng như thông báo ngay trước khi hồ xả lũ khẩn cấp, khi xảy ra sự cố vận hành điều tiết chống lũ, khi xảy ra vỡ đập, tràn đập…. Từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ đến người dân trong cộng đồng biết và thực hiện.
Theo kế hoạch, trước 15/7, EVNHPC DHD sẽ cùng các địa phương kiểm tra tình hình thoát lũ của sông Đa Nhim. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo đề nghị nhiều lần của Công ty, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa ban hành Quy định về việc quản lý, sử dụng, khai thác lòng sông và hành lang sông Đa Nhim, làm cơ sở đánh giá mức độ vi phạm hành lang thoát lũ và cũng là căn cứ đánh giá những thiệt hại về tài sản của nhân dân canh tác và sinh sống trong hành lang thoát lũ mỗi khi hồ thuỷ điện xả lũ. Trong khi đó, việc diệt trừ cây mai dương đến nay cũng chưa được UB PCLB huyện Đơn Dương lên phương án mặc dù Công ty đang đóng phí môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để chi trả tiền dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện. Theo Nghị định 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập; Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, chủ đập chỉ có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và chất lượng nước khi khai thác. Hiện Công ty đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc sẵn sàng phối hợp với huyện Đơn Dương diệt trừ cây mai dương nhằm khơi thông dòng chảy ở hạ lưu sông Đa Nhim.
Tình hình khí tượng thuỷ văn năm nay được dự báo là tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường so với mọi năm. Trước thực tế này, các chủ đập cũng đang sẵn sàng những biện pháp đối phó hữu hiệu khi cắt giảm lũ, điều tiết hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thuỷ điện và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho hạ du khi các hồ thuỷ điện phải xả lũ để bảo đảm an toàn cho đập. Tuy nhiên, nếu không có sự “vào cuộc” đồng bộ của cả chính quyền địa phương, e rằng bài toán về “an toàn hạ du” vẫn chưa thể giải quyết một cách thấu đáo./.