Vị thế của công ty
Công ty Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi được xây dựng trên dòng sông La Ngà và là nấc thang giữa của hệ thống sông Đồng Nai, thuộc địa bàn các huyện: Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng và Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc của tỉnh Bình Thuận. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 16/5/1997, sau gần 4 năm thi công xây lắp, ngày 2/4/2001, tổ máy đầu tiên đã được đưa vào vận hành phát điện và đến tháng 7/2001 hoàn thành toàn bộ công trình. Tổng công suất thiết kế 475 MW, Hàm Thuận là 300MW gồm 2 tổ máy, Đa Mi là 175 MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện theo thiết kế là 1.555 triệu kWh. Sau khi sáp nhập 2 cụm nhà máy thủy điện Đa Nhim – Sông Pha và Hàm Thuận – Đa Mi về một đầu mối quản lý là Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi và chuyển sang hạch toán kinh tế độc lập kể từ ngày 1/7/2005 theo quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), công ty đã chủ động từng bước tái cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mô hình quản lý theo hướng tăng năng suất lao động; đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị, máy móc, đặc biệt là hệ thống thiết bị điều khiển, đo lường, giám sát để giải phóng sức lao động. 10 năm qua, công ty luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2006; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004; Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác trao cho các tập thể và cá nhân. Công ty là điểm sáng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Với tổng công suất 642,5 MW và điện lượng thiết kế trung bình hàng năm là 2,576 triệu kWh, hiện công ty có vị trí lớn thứ 3 so với các nhà máy thủy điện trong ngành và chiếm tỷ trọng khoảng 4% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tập đoàn. Tuy nhiên, do công suất cố định và công ty chưa đầu tư dự án nào thêm để tăng công suất nên thị phần của công ty ngày càng giảm do ngày càng có nhiều nguồn điện mới đưa vào vận hành.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 nêu rõ: “Phát triển nguồn điện phải đáp ứng nhu cầu phụ tải. Đảm bảo thực hiện tiến độ xây dựng các nhà máy thủy điện có các lợi ích tổng hợp như: chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; phát triển hợp lý có hiệu quả các nguồn nhiệt điện khí; đẩy mạnh xây dựng nhiệt điện than; phát triển thủy điện nhỏ, năng lượng mới và tái tạo cho các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; chủ động trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững. Sử dụng tốt các nguồn thủy năng, khí than để phát triển cân đối nguồn điện… đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện; có chính sách thích hợp về sử dụng điện ở nông thôn, miền núi; tăng sức cạnh tranh về giá điện so với khu vực”.
Dựa trên mục tiêu phát triển của ngành và tình hình phát triển của khu vực, Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi đã xây dựng định hướng phát triển phù hợp với định hướng chung của ngành, chính sách của Nhà nước và xu thế chung của thế giới. Trong đó tập trung vào các chiến lược:
Chiến lược về sản xuất điện: Chuẩn bị đầy đủ nhân lực và thiết bị để tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh điện hiệu quả, nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Do thị trường điện phát điện cạnh tranh còn khá mới nên ngay từ bước ban đầu, công ty đã tổ chức 1 bộ phận chuyên theo dõi và thu thập thông tin thị trường để khi tham gia chào giá đạt hiệu quả.
Chiến lược về cung cấp dịch vụ kỹ thuật: Mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ kỹ thuật trọn gói cho các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận dựa trên các lợi thế cạnh tranh về năng lực, địa bàn của công ty.
Chiến lược đầu tư: Tham gia góp vốn và đầu tư vào các dự án năng lượng sạch như dự án điện gió Phú Lạc, dự án điện gió Lợi Hải, Công Hải tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chính phủ đang khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch, theo Quy hoạch điện VI thì đến năm 2015, năng lượng sạch chiếm 5%. Hiện nay nguồn năng lượng sạch còn ít do giá thành cao và chưa phổ biến. Trong những năm tới, với tiến bộ của khoa học công nghệ, giá thành các sản phẩm năng lượng sạch sẽ giảm và được sử dụng rộng rãi hơn.
Ngoài việc đầu tư vào lĩnh vực phong điện, công ty đã đầu tư góp vốn vào các dự án thủy điện như: thủy điện A Vương, thủy điện Serepok, thủy điện Sê San 4, thủy điện Sông Ba Hạ.
Ngược thời gian, dự án thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi được nghiên cứu từ những năm 1960 nhưng mãi tới năm 1990 mới được xây dựng. Giám đốc Nguyễn Trọng Oánh cho biết, hơn 9 năm vận hành, nhà máy đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng hơn 14 tỷ kWh. Ngoài việc phát điện, công trình Hàm Thuận – Đa Mi còn góp phần bổ sung nước tưới tiêu, sinh hoạt trong mùa khô cho vùng hạ du sông La Ngà, nhất là các huyện Tánh Linh và Đức Linh của tỉnh Bình Thuận, đồng thời gia tăng lưu lượng dòng chảy đến hồ Trị An trong mùa khô, góp phần tăng thêm sản lượng cho Nhà máy thủy điện Trị An. Hiện công ty đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – 2000. Công ty thường xuyên tổ chức xây dựng và hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn công việc, quy định hay các thủ tục thực hiện các quá trình nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng và không ngừng cải tiến hệ thống quản lý trong công ty. Công ty quản lý các công trình thủy điện nên chi phí đầu vào cũng như sửa chữa, bảo dưỡng thấp. Nhân lực có trình độ cao, được sắp xếp linh hoạt, tiết kiệm, tăng năng suất lao động (mỗi ca sản xuất chỉ 5 công nhân). Công ty đang ký hợp đồng bán điện trực tiếp với Tập đoàn Điện lực nên đầu ra ổn định, tạo điều kiện tập trung vào sản xuất, khai thác nguồn thủy năng một cách hợp lý, có hiệu quả. Công ty có hai khu vực phát điện là Đa Nhim – Sông Pha và Hàm Thuận – Đa Mi tách biệt nhau về địa lý nên cũng có thể bù đắp sản lượng, chia sẻ rủi ro cho nhau khi thời tiết cực đoan cục bộ. Công nghệ mới được thay, tiên tiến hiện đại từ tháng 8 năm 2006 đảm bảo cho công ty một vòng đời hoạt động mới, nhiều hiệu quả.