Liên tục yêu sách
DA thủy điện Dakr’tih có tổng công suất 144 MW, gồm 4 tổ máy, sản lượng điện dự kiến hơn 600 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư gần 4.400 tỉ đồng. Để thực hiện DA, năm 2007, CC1 đã tổ chức đấu thầu quốc tế và IWHR trúng thầu gói “cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ - điện chính” với tổng giá trị HĐ là 15,24 triệu USD và 2,64 tỉ đồng. HĐ yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành 4 tổ máy trước ngày 20.7.2011. Tuy nhiên, tiến độ trên thực tế rất chậm trễ, và đến thời hạn cuối, ngày 20.7, sau khi mới hoàn thành một phần chương trình vận hành thử nghiệm của 2/4 tổ máy, IWHR đã đơn phương rút các chuyên gia kỹ thuật quan trọng khỏi công trường; đồng thời, không có kế hoạch cung cấp vật tư còn thiếu, không đệ trình quy trình và chương trình thử nghiệm, tiến độ và kế hoạch thực hiện các công việc tiếp theo...
Sau khi cắt hợp đồng với nhà thầu TQ, thủy điện Dakr'tih đã đẩy nhanh tiến độ, đưa được 2 tổ máy vào vận hành - Ảnh: P.T
Không dừng ở đó, IWHR còn liên tục đưa yêu sách đòi CC1 phải thanh toán ngay 10% giá trị HĐ. Ông Nguyễn Trung Nhương - Chủ tịch Hội đồng thành viên CC1 khẳng định, yêu cầu này của nhà thầu TQ hoàn toàn trái với quy định trong HĐ. Hiện tại, CC1 đã thanh toán cho nhà thầu đến 85% giá trị thiết bị theo đúng HĐ. Trong 15% giá trị còn lại, nhà thầu sẽ được thanh toán 10% sau khi hoàn thành công trình phù hợp với quy định của HĐ và nhận được chứng chỉ bàn giao công trình từ CC1. Còn lại 5% sẽ được thanh toán sau khi hết thời hạn bảo hành (2 năm kể từ ngày nghiệm thu). Tuy nhiên, dù công việc còn dở dang, IWHR lại ra tối hậu thư cho rằng nếu không thanh toán 10% giá trị thì họ không chấp nhận đàm phán để tiếp tục thực hiện HĐ.
Ông Lê Hữu Việt Đức - Phó tổng giám đốc CC1: Quyết định đúng đắn
Trước đó, chúng tôi có tham khảo ý kiến nhiều phía, ngay cả chuyên gia đầu ngành về năng lượng và lãnh đạo cấp trên đều khuyên nên chấp nhận đàm phán với nhà thầu TQ và nhân nhượng tăng giá, thanh toán trước cho họ. Nhưng thực sự, đến thời điểm này, chúng tôi đều thống nhất rằng, cắt HĐ với nhà thầu TQ là quyết định đúng đắn nhất của toàn DA. Bởi nếu tiếp tục nhân nhượng với phía TQ, đồng ý thanh toán trước hạn 10% giá trị HĐ, thì vẫn không thể chắc chắn được việc nhà thầu TQ sẽ tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo HĐ hoặc các thiết bị sau khi lắp đặt sẽ đảm bảo vận hành đúng công suất thiết kế và được bảo hành đúng quy định. Trong khi đó, cứ một ngày chậm trễ, chúng tôi mất hơn 3 tỉ đồng. Sau khi cắt nhà thầu TQ, thì các công đoạn phức tạp còn lại như cân bằng động, điều tốc, kích từ... đều được nhà thầu VN làm trong thời gian ngắn kỷ lục. Nhờ vậy, ngay trong tháng 9 đã phát điện 2 tổ máy, còn lại 2 tổ máy cũng sẽ phát điện trong tháng 10 tới.
|
Thái độ thiếu hợp tác này của IWHR đã khiến DA bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn cho CC1. Mặc dù trong thời gian từ 16.7 - 16.8, CC1 đã liên tục gửi hơn 10 văn bản với các nỗ lực đàm phán và kêu gọi nhà thầu hợp tác triển khai công việc, song IWHR vẫn không có phản hồi tích cực. Chính vì vậy, CC1 chính thức ra thông báo chấm dứt HĐ với IWHR. Chỉ sau khi bị cắt HĐ, thì đến ngày 3.9, IWHR mới cử đại diện đến VN để đàm phán với CC1.
Chây ì và lắm chiêu
Ông Lê Hữu Việt Đức - Phó tổng giám đốc CC1 cho biết, do đi sau các DA thủy điện khác nên CC1 đã lường trước các tình huống có thể gặp phải. Đó là, với hầu hết DA do nhà thầu TQ thi công, họ gần như bỏ phần bảo hành hoặc dây dưa không thực hiện trách nhiệm bảo hành. Thậm chí, nhà thầu TQ còn kéo dài cả những công việc đương nhiên phải hoàn thành theo đúng HĐ. Mặt khác, các nhà thầu TQ thường cung cấp các phần mềm điều khiển thiết bị công nghệ mà trong đó thời gian sử dụng chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn sau khi bàn giao công trình. Điều này nhằm gây áp lực với CĐT để đòi thêm chi phí bản quyền phần mềm. Trong khi theo đúng nguyên tắc HĐ, nhà thầu phải bàn giao toàn bộ công nghệ, kể cả bản quyền các phần mềm điều khiển cho suốt tuổi thọ của DA. Vì vậy, đã có CĐT rơi vào trường hợp chỉ sau một thời gian vận hành, nhà máy ngưng hoạt động và lại phải tốn chi phí mời nhà thầu TQ sang sửa phần mềm.
Trong quá trình dự thầu, nhà thầu TQ thường dùng cách bỏ giá rẻ. Tuy vậy, thực tế bao giờ họ cũng có sự toan tính phân bổ giá trị trong từng hạng mục gói thầu sao cho có lợi nhất và lách được quy định của VN. Chẳng hạn, theo quy định, những phần việc VN làm được thì phải giao cho nhà thầu VN. Nhưng cách của nhà thầu TQ là những phần việc họ làm được (cung ứng thiết bị) thì họ bỏ giá rất cao, phần việc sẽ đàm phán với nhà thầu VN (lắp đặt, gia công) thì bỏ giá rất thấp, thấp đến mức nhà thầu VN không thể chấp nhận được. Khi đó, với lý do không tìm được nhà thầu VN, họ bắt đầu ồ ạt đưa nhân công từ TQ qua. Vì giá nhân công của họ rất rẻ nên tổng giá gói thầu thấp, chứ nếu nói thiết bị TQ rẻ thì cũng không hẳn.
Hơn nữa, qua nhiều tình huống thực tế xảy ra trên công trường cũng cho thấy sự thiếu hợp tác và năng lực hạn chế của nhà thầu TQ. “Do họ không dùng ngoại ngữ, chúng tôi buộc phải có phiên dịch tiếng TQ, nên thời gian làm việc cũng chậm hơn. Trong quá trình làm việc, nhà thầu TQ luôn chậm trễ trong việc cung cấp vật tư kéo theo việc lắp đặt các tổ máy bị chậm trễ. Ngoài ra, một số chuyên gia TQ không có trình độ cao, khi xảy ra sự cố gì về kỹ thuật họ đều phải gửi về TQ xin ý kiến. Thậm chí có những việc rất nhỏ cũng phải chờ đợi rất mất thời gian. Có những vướng mắc tại hiện trường, chuyên gia TQ xin phép bay về nước để xin ý kiến mất 5 - 7 ngày, thậm chí đã có trường hợp mất vài tuần nhưng vẫn không xử lý được. Đến nỗi chúng tôi sốt ruột quá phải đứng ra tự xử lý và chấp nhận không bảo hành phần việc đó, mà khi mình tự làm chỉ mất 15 phút”, ông Đức nói.
Chủ đầu tư phải “nắm đằng cán”
Trên thực tế, tình trạng nhà thầu TQ trúng thầu với giá rẻ nhất rồi sau đó dây dưa, chây ì để đòi các yêu sách như trên không phải là cá biệt, mà xảy ra ở một số DA quy mô lớn khác. Tuy nhiên, đa phần CĐT đều “cắn răng” nhân nhượng trước các đòi hỏi của nhà thầu TQ để triển khai tiếp DA. Cho nên, quyết định cắt HĐ với nhà thầu TQ ở DA thủy điện Dakr’tih trở thành một việc làm chưa có tiền lệ. Theo ông Đức, chấm dứt HĐ với nhà thầu TQ không dễ nhưng hoàn toàn có thể nếu CĐT chủ động “nắm đằng cán” ngay từ đầu. Chính bởi chủ động nên CC1 đã có sự tính toán, đề phòng đối với nhà thầu TQ ngay trong quá trình đàm phán.
Về nguyên tắc, các DA đấu thầu quốc tế đều phải tuân thủ HĐ mẫu của Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế
(FIDIC). Nhưng FIDIC chỉ là mẫu chung, quan trọng là các phụ lục và một số điều khoản đặc biệt. Chẳng hạn, hiện nay CC1 đã tịch thu bảo lãnh thực hiện HĐ (trị giá 10% hợp đồng) của IWHR, trong khi nhiều CĐT khác không làm được nếu nhà thầu không đồng ý. Là bởi trước đó, trong hồ sơ mời thầu, CC1 đã quy định rõ ràng, CĐT có thể tịch thu bảo lãnh thực hiện HĐ vô điều kiện, còn mọi tranh chấp thì hạ hồi phân giải theo pháp luật. Như vậy, về tài chính, hiện CC1 đang giữ 25% giá trị HĐ đã ký với TQ IWHR, xấp xỉ 4,5 triệu USD. “Chủ động về cơ sở pháp lý, về tài chính và làm chủ được công nghệ là yếu tố tiên quyết để giữ đúng tư thế CĐT trước nhà thầu TQ. Đặc biệt, ngay từ khi đàm phán HĐ với nhà thầu TQ, quy định càng rõ ràng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Mà thực ra đối với nhà thầu nào cũng vậy, HĐ càng chi tiết, rành mạch thì càng dễ xử lý”, ông Đức nhấn mạnh.