Tin Công ty DHD

Sức sống Đa Nhim, tinh thần đoàn kết Việt Nam - Nhật Bản

Thứ năm, 5/9/2013 | 08:14 GMT+7
Với nửa thế kỷ trường tồn và phát triển, Thủy điện Đa Nhim không chỉ cung cấp cho đất nước hơn 37,2 tỷ kWh điện, trở thành biểu tượng của ngành điện Việt Nam mà còn là minh chứng cho việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả và tinh thần đoàn kết Việt Nam - Nhật Bản.

Từ công trình qua hai thế kỷ

Nhà máy thủy điện Đa Nhim là một trong những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở nước ta (chỉ sau thủy điện Suối Vàng do người Pháp xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 1945). Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thuộc nấc thang trên cùng của hệ thống sông Đồng Nai, nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Công trình do chính phủ Nhật Bản tài trợ xây dựng theo chính sách bồi thường chiến tranh, được khởi công vào tháng 2.1962 và chính thức phát điện ngày 15.1.1964, với tổng công suất lắp đặt 160 MW (4x40 MW). Tính đến hết tháng 6.2013, Thủy điện Đa Nhim đã cung cấp cho cả nước hơn 32,7 tỷ kWh điện. Đặc biệt, kể từ năm 2008 đến nay, sau khi Nhà máy thủy điện Đa Nhim được đưa vào phục hồi, điện lượng bình quân hàng năm của Đa Nhim luôn cung cấp ổn định cho hệ thống điện quốc gia ở mức 1 tỷ kWh.

Nguyên Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Đa Nhim (giai đoạn 1985-1990) - cụ Nguyễn Ngọc Quang năm nay đã 83 tuổi, bồi hồi nhớ lại: khi mới về tiếp nhận công việc ở Đa Nhim (năm 1976) đã rất tự hào, vì thời điểm đó, Đa Nhim là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, được xây dựng khá bài bản. Trải qua những thăng trầm trong suốt quãng thời gian gần 40 năm gắn bó với Đa Nhim, từ lúc còn phải tự mày mò từng thao tác kỹ thuật vận hành, tự tăng gia sản xuất nông nghiệp để tồn tại nơi rừng thiêng nước độc… nhưng, những dấu ấn của một công trình được đầu tư khá công phu, từ việc lựa chọn địa điểm, đến thiết kế thi công và quản lý khá bài bản “quản lý đường ống có một công ty, quản lý nhà máy cũng có một công ty, rồi khu cư xá dành cho công nhân vận hành cũng có một công ty riêng đã cho chúng tôi thấy rõ tầm nhìn, phong cách sống và làm việc bài bản, cẩn trọng của người Nhật.” Với cụ Quang, người Nhật đã không chỉ để lại một công trình đẹp, có giá trị kinh tế và mỹ thuật mà còn để lại những câu chuyện về tình người trên vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió này.

Ấn tượng lớn nhất với cụ Nguyễn Tấn Lục (81 tuổi) - nguyên là thư ký công đoàn của Nhà máy thủy điện Đa Nhim kể từ sau giải phóng đến những năm 90 của thế kỷ trước - không chỉ ở trình độ kỹ sư, công nhân nhà máy điện, tình đoàn kết gắn bó giữa các thế hệ công nhân “dù đi đâu nhưng ngày truyền thống vẫn về với Đa Nhim như về với ngôi nhà của chính mình”. Điều cụ tâm đắc nhất là cùng với việc giữ rừng ở đây tốt hơn so với các công trình thủy điện khác thì Đa Nhim cũng là nơi sử dụng hiệu quả nguồn nước nhất trong phát điện. “Tuy hồ chứa thủy điện lượng nước chứa không nhiều, chỉ có 164 triệu mét khối nước, được ví như “lỗ mũi sông Đà” nhưng lại luôn đủ nước cho cả 4 tổ máy với tổng công suất 160MW. Suất tiêu hao nước ở Đa Nhim chỉ 0,56m3/kWh, trong khi ở các nhà máy thủy điện khác phải mất ít nhất từ 5m3 nước/kWh, thậm chí nhiều nơi phải mất hàng chục mét khối nước mới cho ra được 1kWh điện. Vì chiều cao lớn quá, áp suất nước được đưa qua 2 cột ống thủy lực vào các tổ máy với công suất phát định mức 24m3/s nên các tổ máy huy động ở công suất định mức rất cao, với thời gian hoạt động từ  7.000 - 8.000 giờ/năm (theo thiết kế là 6.400giờ/năm)…” - cụ Nguyễn Tấn Lục tự hào kể.

Đến những công trình của tình hữu nghị

Kỹ sư Nguyễn Trọng Oánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) khẳng định, Đa Nhim không chỉ là công trình thủy điện có chất lượng tốt về thiết kế, công nghệ mà còn được các thế hệ cán bộ công nhân viên Nhà máy bảo quản, lưu giữ cẩn thận đến từng chi tiết, được phía Nhật Bản đánh giá cao. Năm 1996, Nhà nước đầu tư 66,54 triệu USD để cải tạo thiết bị và đường dây, trong đó Nhật Bản đã cho vay ưu đãi 7 tỷ yen (tương đương 48,6 triệu USD). Năm 2005, Nhà máy thủy điện Đa Nhim được đưa vào phục hồi, đại tu toàn bộ sau 40 năm vận hành. Từ việc thay mới stator máy phát, các ổ trục đỡ, hệ thống kích từ, máy biến thế và hệ thống điều khiển máy phát điện, thay thế mới turbine, van chính, hệ thống điều tốc, hệ thống cung cấp dầu áp suất điều khiển và hệ thống thiết bị cơ khí thủy công, hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn và đường dây 230 kV Đa Nhim - Long Bình… Tất cả nguồn vốn vay để đại tu công trình hơn 620 tỷ đồng đều được Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ. Rộng hơn, cả 3 nhà máy thủy điện của Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) đều sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. “Hàm Thuận - Đa Mi đi vào hoạt động từ năm 2001 dùng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Đại diện Chính phủ Nhật Bản cũng đã đến đây, xem xét và nhận thấy rằng nguồn vốn họ hỗ trợ cho Nhà máy đã được phát huy hiệu quả. Cũng trên cơ sở đó, dự án mở rộng Đa Nhim với quy mô 80MW hiện nay cũng đã được Jica nhất trí tài trợ 85% vốn trong tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng (vốn đối ứng của ĐHĐ là 15%). Dự kiến đến cuối tháng 9.2013 sẽ ký hiệp định vay vốn giữa 2 chính phủ. Kế hoạch, năm 2014 sẽ khởi công xây dựng và phát điện vào năm 2016.

Hiện nay, ngoài kế hoạch mở rộng Đa Nhim thêm 1 tổ máy 80MW, một số nhà máy thủy điện nhỏ phía hạ lưu sông Pha cũng đang được thiết kế để tận dụng nguồn nước từ thủy điện Đa Nhim. Trên dòng chảy sông Pha này, do lưu lượng khá đều từ phía Đa Nhim chảy xuống nên ngoài mục tiêu cấp nước cho hạ du đồng bằng Ninh Thuận và thành phố Phan Rang (mỗi năm hơn 550 triệu mét khối nước tưới tiêu cho hơn 20.000ha đất nông nghiệp của Ninh Thuận), tiềm năng khai thác thủy điện ở đây vẫn còn rất lớn.

Và nguồn nhân lực, chất lượng lao động

Một minh chứng cho trình độ kỹ thuật của công nhân lao động Việt Nam trên công trình thủy điện Đa Nhim chính là ngay sau giải phóng, khi được tiếp quản nhà máy, các kỹ sư, công nhân đã khôi phục, sửa chữa thành công đường ống thủy áp số 2, đưa nhà máy vào vận hành ổn định, phát huy hết công suất từ giữa năm 1976. “Người Đa Nhim tự hào việc sửa chữa thành công nhà máy sau chiến tranh được thực hiện bằng chính nguồn lực của người VN” - TGĐ Nguyễn Trọng Oánh đánh giá cao trình độ cán bộ kỹ sư và công nhân vận hành nhà máy qua các thời kỳ đã tiếp quản được hệ thống quản lý của một công trình thủy điện rất tiên tiến từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, sau cải tạo, các tổ máy đều được huy động ổn định ở mức cao.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim đã có nửa thế kỷ trường tồn nhưng lực lượng quản lý kỹ thuật ở đây lại khá trẻ. Tuổi đời bình quân hơn 30 - là lứa tuổi của độ chín và niềm đam mê nhiệt huyết. Do quản lý khá tốt nên định mức/năng suất lao động được thể hiện rõ. Theo quy định thông thường đối với một nhà máy điện như Đa Nhim cần khoảng 120 lao động, nhưng cụm nhà máy của ĐHĐ bình quân chỉ có hơn 80 người. Nhờ đó, các chi phí quản lý và vận hành nhà máy đã giảm hơn, hiệu quả kinh tế hơn so với nhiều nhà máy điện khác.

Kỹ sư trẻ Nguyễn Ngọc Hưng, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng được tuyển vào làm việc từ 2008 rất tự hào khi được làm việc ở Đa Nhim với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử cũng như chế độ đãi ngộ ở đây. Đến với Đa Nhim, một công trình lớn, với áp lực công việc cũng khá lớn - bởi không chỉ vận hành một nhà máy mà vận hành chung luôn cả 1 trạm. Nhưng qua thực tế rèn luyện tay nghề và kinh qua đào tạo, anh đã có được nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn vận hành. Người thợ Đa Nhim không chỉ hiểu biết về điện mà còn phải hiểu biết cả cơ khí thủy công, điện tử…

Ngoài việc tham gia quản lý vận hành tại chỗ, những người thợ của Đa Nhim còn tham gia vào các dịch vụ tư vấn, sửa chữa  vận hành, đào tạo cho các khách hàng trên khắp mọi miền tổ quốc, từ Sơn La, Lào Cai, Huế, Quảng Trị, khu vực Tây Nguyên, Nam bộ. Nguồn nhân lực của Đa Nhim đã đi đến nhiều công trình thủy điện trên cả nước, như Trị An, Thác Mơ, Đại Ninh, Đồng Nai, Buôn-Kuốp… Việc thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật năm 2010 với những thành công trong việc đào tạo, sửa chữa, tư vấn, thí nghiệm... đã được các đơn vị trong và ngoài ngành điện như thủy điện A Vương, A Lưới, ĐakR’tih… và nhiều công trình thủy điện nhỏ khác tin tưởng về chất lượng dịch vụ, đã từng bước khẳng định năng lực của những người thợ trưởng thành từ Đa Nhim.

Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Oánh khẳng định, Thủy điện Đa Nhim đã minh chứng cho sự trường tồn của một công trình ghi dấu ấn lịch sử mối tình Việt - Nhật. Phía bạn đánh giá rất cao năng lực và chất lượng của các dự án bởi các nhà máy hoạt động khá hiệu quả. Hiệu quả trong cả quản lý vận hành thiết bị tốt, hoạt động ổn định, và một minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ Việt-Nhật là những đồng tiền của nhân dân Nhật Bản chuyển sang Việt Nam hỗ trợ cho chúng ta làm các công trình thủy điện đã được sử dụng đúng mục đích rất hiệu quả.

Theo: Bao dai bieu nhan dan