Tin Công ty DHD

DHD tham gia Hội nghị Kỹ thuật nguồn điện năm 2015

Thứ sáu, 10/4/2015 | 10:49 GMT+7
Hội nghị Kỹ thuật nguồn điện năm 2015 do EVN tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 31/03/2015. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ông Đặng Hoàng An-Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu rõ nguồn điện EVN hiện nay rất đa dạng về loại hình, bao gồm thủy điện, nhiệt điện đốt than, nhiệt điện dốt dầu FO, tuabin khí chu trình hỗn hợp đốt khí, tuabin khí chu trình đơn đốt dầu DO, diesel. Mục đích của Hội nghị Kỹ thuật nguồn điện năm 2015 nhằm đánh giá lại hiện trạng các nhà máy điện của EVN hiện nay, đồng thời tìm ra những vấn đề còn hạn chế để có giải pháp khắc phục, sửa chữa nhằm giúp công tác quản lý vận hành các nhà máy trong thời gian tới không để xảy ra các sự cố chủ quan.

H1.Hội nghị Kỹ thuật nguồn điện năm 2015 do EVN tổ chức

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN thì 76% chi phí giá thành điện chính là nằm ở khâu phát điện, phần còn lại là truyền tải và phân phối. Như vậy, nếu không nâng cao được hiệu quả hoạt động của khối phát điện thì EVN sẽ gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo điện cũng như bài toán kinh tế.

Để hoàn thành được tốt nhiệm vụ quản lý vận hành cũng như sản xuất kinh doanh trong năm 2015 và các năm tiếp theo, Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An yêu cầu các tổng công ty, công ty phát điện phải đáp ứng được 3 nhiệm vụ:

1. Độ tin cậy sẵn sàng cao với sự cố ít, thời gian sửa chữa, bảo dưỡng ngắn nhất; 2. Tính kinh tế hiệu quả với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, suất tiêu hao nhiên liệu thấp, tỷ lệ điện tự dùng thấp; 3. Sử dụng tối ưu thiết bị đầu tư đã có.

Để làm được 3 nhiệm vụ này Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản lý vận hành: “Nguyên tắc số 1 của lực lượng vận hành phải nắm sát tình hình vận hành. Điều này giúp ngăn ngừa được sự cố, chủ động sửa chữa, loại bỏ thiết bị tần suất cao, lý lịch vận hành của từng thiết bị phải nắm bắt qua phần mềm Quản lý kỹ thuật của EVNit, ghi chép trong từng ca trực và lãnh đạo đơn vị phải kiểm tra thường xuyên.

Về tham dự hội nghị các đơn vị tham gia báo cáo các chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều hành sản xuất trong Tập đoàn; chuyên đề 1: điều chỉnh tần số, điện áp hệ thống điện Quốc gia; chuyên đề 2: Tình hình các tổ máy Uông Bí 300 MW và 330 MW                                                          và chương trình củng cố các tổ máy này; Chuyên đề 3: Trung tâm điều khiển từ xa các nhà máy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi; Chuyên đề 4: Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn điện…

Chuyên đề Trung tâm điều khiển từ xa các Nhà máy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi báo cáo tại hội nghị khái quát như sau:

Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) đang quản lý, vận hành sản xuất 4 nhà máy phát điện, trong đó công suất nhà máy Đa Nhim 160MW; Sông Pha 7,5 MW; Hàm Thuận 300MW; Đa Mi 175MW nằm trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Trụ sở chính Công ty được đặt tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh các nhà máy điện theo hướng tập trung, phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh cũng định hướng phát triển thị trường điện trong thời gian tới, tối ưu hóa nguồn nhân lực, Công ty DHD đã đầu tư xây dựng trung tâm điều khiển xa (Operation control center: viết tắt OCC). Ngoài ra, việc xây dựng OCC cũng nhằm phù hợp với lộ trình phát triển hiện đại hóa ngành điện và lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

OCC được đưa vào vận hành trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đối với cụm nhà máy Hàm Thuận – Đa Mi bắt đầu từ tháng 12/2013, giai đoạn 2 tiếp tục  áp dụng thêm đối với cụm nhà máy thủy điện Đa Nhim – Sông Pha bắt đầu từ tháng 03/2014. Tại OCC, Trưởng ca vận hành trực tiếp nhận và thực hiện các mệnh lệnh chỉ huy điều độ từ kỷ sư điều hành Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và Điều độ miền (A2), trực tiếp chỉ huy vận hành, thao tác và xử lý sự cố các nhà máy điện.

Sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động chính thức đến nay OCC đã vận hành ổn định, hệ thống truyền dẫn, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống thu thập dữ liệu đều hoạt động tin cậy không xảy ra các sự cố chủ quan. Tất cả các thao tác được thực hiện tại OCC đều đáp ứng một cách kịp thời, chính xác theo yêu cầu của Kỹ sư điều hành hệ thống điện Quốc gia và Điều độ miền bao gồm:

  • Khởi động các tổ máy phát điện, thay đổi công suất phát, điều chỉnh điện áp máy phát và dừng các tổ máy phát điện;
  • Theo dõi các thông số vận hành của thiết bị các nhà máy, lập và báo cáo số liệu vận hành cho A0, A2.
  • Thao tác đóng cắt các MC, DCL cấp điện áp 110kV, 230kV.

Việc đưa OCC vào vận hành đã đáp ứng được cơ bản những yêu cầu về chiến lược phát triển của công ty theo mô hình quản lý tập trung, tối ưu hóa hiệu quả trong quản lý vận hành sản xuất điện. Hiệu quả mang lại được đánh giá tóm tắt như sau:

  • Tham gia thị trường điện được tập trung và đạt hiệu quả

OCC tổng hợp và cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời các thông tin về tình hình thiết bị các nhà máy trong công ty, tình hình thủy văn trên các lưu vực hồ chứa và các số liệu liên quan phục vụ tốt cho việc phân tích, đánh giá tình hình từ cơ sở đó để thiết lập bản chào tối ưu đối với các nhà máy điện, tham gia thị trường phát điện cạnh tranh một cách hiệu quả.

  • Bố trí tối ưu nguồn nhân lực

Ca trực vận hành tại OCC thay thế cho ca trực tại các nhà máy điện trong Công ty trực tiếp nhận và thực hiện các mệnh lệnh chỉ huy điều độ từ các cấp điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Điều độ miền, trực tiếp tổ chức tham gia công tác thị trường điện tập trung cho toàn công ty. Do vậy, lực lượng vận hành tại các nhà máy được điều chỉnh theo hướng tinh gọn hơn. Ngoài ra, khi OCC đi vào hoạt động cũng đã góp phần giảm bớt số lượng các đầu mối trực tiếp liên lạc đến các cấp điều độ.

  • Tiết kiệm chi phí thuê kênh truyền viễn thông
  • Cung cấp các dữ liệu về quản lý thiết bị

Trung tâm OCC là nơi tổng hợp và cung cấp các dữ liệu về quản lý thiết bị để xây dựng phần mềm quản lý kỹ thuật kết nối đến hệ thống quản lý vật tư của DHD. Dựa trên cơ sở các số liệu tổng hợp để lập kế hoạch tối ưu được chiến lược sửa chữa, tối ưu nguồn lực hiện có, giảm chi phí sửa chữa và các sự cố được phòng ngừa nhờ chẩn đoán sớm. 

Một số hình ảnh

H1. Ông Đặng Hoàng An – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn phát biểu chỉ đạo.

H2. Ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng ban Kỹ thuật Sản xuất EVN báo cáo tại hội nghị

H3. Báo cáo chuyên đề nhà máy điện

Anh Tuấn