Tin Công ty DHD

Ánh lửa từ Đa Nhim

Thứ tư, 26/2/2014 | 13:31 GMT+7
Một nhà máy thủy điện. Có gì để kể nhiều chăng, về sự tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng? Đến đây, nơi người ta cần mẫn và tỉnh táo làm việc để tạo ra dòng điện, "trực chiến” 24/24, chắc không để nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng có nhiều hình ảnh, câu chuyện lại đem đến những trải nghiệm hay.
 
 

Nhà máy thủy điện Đa Nhim
 
"Cư xá trái tim”
Cư xá Đa Nhim. Những ngôi biệt thự nhỏ trên thảm cỏ xanh, được người Nhật xây dựng từ đầu những năm 1960 để làm nơi ở cho các chuyên gia làm việc tại nhà máy hay sang hợp tác. Sau nửa thế kỷ, bây giờ còn nguyên dáng vẻ hiện đại, sự tiện dụng và vẫn… ở tốt. Những căn nhà một tầng rộng rãi, nhiều cửa sổ, trang trí giản dị, chủ yếu bằng các vạch ngang ở trên và cột dẹt dọc hoặc chéo ở dưới, cùng những bức tường thấp đỡ mái chìa hẳn ra ngoài, tạo thêm cảm giác không gian được nới rộng hơn trong một kết cấu khỏe khoắn và vững chãi. Khung cửa rộng mở vào gian phòng sinh hoạt chung sáng sủa, thường được lấy làm phòng khách, với những cánh cửa dẫn sang các phòng nghỉ và nhà bếp. Một gia đình đang nuôi con nhỏ có thể ở đây rất thoải mái. 
 
Bên ngoài, một hai bậc thềm bước lên sảnh nhỏ thoáng đãng, nơi buổi sớm bước ra có thể tập thể dục nhẹ nếu một lúc nào đó vì mưa mà không muốn đi bộ trong khuôn viên tràn ngập cây cỏ và nhiều khóm hoa. Con đường đi bộ ấy, nếu đứng trên đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, sẽ thấy có hình trái tim. Một trái tim vừa vặn trong khuôn viên cư xá, nối lại những ngôi nhà. Và đứng trong "trái tim” nhìn ra xung quanh sẽ nhận về sự bát ngát của vòm trời sáng rực đang dựng chân trên những dải núi thấp. Hai đường ống dẫn nước, được gọi là hai con trăn khổng lồ, chạy từ đỉnh đèo Ngoạn Mục xuống nhà máy, ban ngày lóe sáng trong nắng. Xe chạy trên đèo Ngoạn Mục để đến nhà máy, hai lần phải đi qua dưới "hai con trăn” ấy. Đứng ở những vị trí này, nhất là từ đỉnh đèo, thấy ống thép khổng lồ chạy thẳng vút xuống chân đèo, "ăn” vào nhà máy với hệ thống dây, cột, khu điều hành sản xuất ngang dọc dưới kia, từ đó lại mở ra cả một vùng cảnh quan xanh non, khu vực giáp giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. 
 
Một thời gian dài ở Đa Nhim, chợ búa không có, nhà máy nuôi heo, gà, vịt, trồng sắn, rau xanh, ép mía lấy đường phát cho anh em nấu chè. "Hồi đó lo ăn uống cũng chết dở!”, ông Lưu Minh Chánh – nguyên giám đốc nhà máy Đa Nhim nhớ lại: "Chúng tôi lợi dụng nguồn nước làm ruộng, nuôi bò, lấy nước làm mát các bộ biến thế để sản xuất. Trước nhà máy có sân phơi lúa, trong nhà máy có cửa hàng lương thực, thực phẩm cho anh em. Quản lý thị trường thu cá lậu, chúng tôi cũng mua về. Bây giờ ngẫm càng thấy đúng, hồi đó phải giữ cho được đội ngũ trí thức, kỹ thuật ở lại và nhanh chóng đào tạo đội ngũ mới”.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi Nguyễn Trọng Oánh dáng dong dỏng, nhanh nhẹn, một tối thoáng đãng cả bầu trời lẫn ngơi ngơi cả núi việc trong ngày, rủ khách trải chiếu ngoài sân ngắm mây kéo từng đụn lớn đủ những hình thù kỳ dị, hết che tối sầm cả không trung rồi lại mở bừng ánh trăng chiếu tỏa lồng lộng. Ông Oánh người Phúc Xá – Hà Nội, thuộc lớp người trưởng thành trên hành trình sáp nhập, mở rộng của Đa Nhim và bây giờ đang tiếp tục chuẩn bị cho dự án mở rộng của Đa Nhim thêm tổ máy 80 MW, dự kiến khởi công năm nay, phát điện năm 2016. Bao năm ở cư xá, có những lúc bà mẹ vào ở cùng con, đã thành nếp, sống bên cạnh cả một "kho điện” nhưng mẹ con không… tiện tay mà bật thừa bóng bao giờ. 
 

Hai thế hệ của Đa Nhim 
Nhớ một thời chung sức
 
Đêm về, không gian vắng vẻ, bình lặng. Nhìn về phía "hai con trăn” giữa trời tối, lại thấy đường điện sáng chạy thành hai dây sao lấp lánh. Người Nhật đã chọn được nơi có địa hình lý tưởng để xây dựng ống dẫn nước. Từ đập Đơn Dương, nước theo đường ống với độ dốc 45 độ xuống chạy máy phát điện. Lượng nước sử dụng nhờ độ dốc đó mà trở nên hết sức tiết kiệm, chỉ tiêu hao 0,56m3 cho mỗi kWh. Hệ thống ống dẫn nước và máy phát điện từng bị hư hỏng do ảnh hưởng của chiến tranh, được sửa chữa để kịp thời dẫn điện về TP Hồ Chí Minh sau khi được giải phóng ít lâu, nhờ vào sự đoàn kết, sáng tạo để vượt khó của những cán bộ, công nhân nhà máy, cả người cũ trước 1975 và lực lượng từ miền Bắc vào sau giải phóng. Kỹ sư Võ Thành Ngôn, từng tu nghiệp ở Nhật, vào làm Đa Nhim trước 1975, hồi cả nhà máy vừa ăn cơm độn khoai sắn vừa sửa chữa, vận hành, gia đình có người đón đi nước ngoài nhưng ông ở lại. 
 
Trường hợp này, ông Ngôn không phải ví dụ duy nhất. Kỹ sư Nguyễn Như Trường nhớ lại hồi đó, có gặp chút khó khăn khi cuộc sống thay đổi so với trước 1975, nhưng ông được sống trong một tập thể như một gia đình để yên tâm làm việc, dù tiếng máy quá lớn làm cho ông bị lãng tai, khi nói chuyện phải nhìn miệng người khác, đoán ý, có khi phải bút đàm, hoặc nhờ người "dịch” hộ. Những người khác, khi trước điều kiện khá đủ đầy, lúc ở lại, cùng gánh những thiếu thốn về phương tiện, máy móc, những chật vật trong đời sống, nhưng vừa làm, họ vừa cùng tăng gia lúa, mía, khoai sắn, nuôi bò, nuôi lợn… để cải thiện đời sống và từng bước vượt qua. 
 
Có sự quên mình vì việc chung, là nhờ người lãnh đạo biết kết nối và tôn trọng tất cả. Ông Phạm Công Lạc, cán bộ từ miền Bắc vào tiếp quản rồi sau đó trở thành giám đốc nhà máy những năm khó khăn, thiếu thốn nhất, đã sắp xếp để anh em cũ có thể vừa học tập cải tạo, vừa làm việc với mục tiêu cao nhất, làm sao cho nhà máy sớm phục hồi và vận hành. Cũng hiếm có giám đốc nào như ông Lạc, hồi đó từng "được” coi là thoáng với anh em, vẫn cứ để mọi người nghe nhạc Trịnh. Có lúc ở trên theo dõi xuống, còn nhắc là ông thiếu cảnh giác, ngồi trên lưng hổ rồi đấy, nó quần cho lúc nào không biết! Nhưng muốn động viên, thuyết phục anh em thì phải bằng cái tình, bằng mối lo chung cho một công trình lớn, phải biết tin tưởng chứ! Ông đã đúng.
 

Thăm lại Đa Nhim

Những câu chuyện như thế, về thời kỳ chung tay khắc phục hậu quả, vẫn được người cũ ôn lại mỗi lần gặp nhau, và những thế hệ sau này cũng biết, cũng nhớ để tiếp tục khơi dòng chảy đoàn kết. Và người ta kể với nhau trong khu cư xá Đa Nhim, nay vẫn được chăm sóc xanh tốt, bền vững, kể với khách mỗi lần đến làm việc, cũng như đến tham quan và thử làm công dân của "khu tập thể” đặc biệt này.  
 
Cho đến những ngày gần đây, kỷ niệm 50 năm vận hành nhà máy thủy điện Đa Nhim và Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, ông Phạm Công Lạc vẫn còn giữ tấm ảnh chụp nhà máy thủy điện Đa Nhim. Mặt sau ghi hai bài thơ ông sáng tác. Ngắn gọn, mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm. Bài "Đêm Đa Nhim”: "Nhìn lên đỉnh núi cao cao/Một vòm ánh điện như sao giữa trời/Đẹp ôi! Là đẹp tuyệt vời/Đa Nhim thủy điện trọn đời với ta” (5/1975). Bài "Nhớ Đa Nhim!”: "Mười năm ở tận Đa Nhim/Núi rừng thủy điện gắn liền với ta/Cuộc đời bao nỗi phong ba/Dầu sao ta vẫn thiết tha với Người” (7/1985).
Theo: Đại đoàn kết