Tin Công ty DHD

KỶ NIỆM 50 NĂM VẬN HÀNH NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN ĐA NHIM VÀ ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHÌ

Thứ sáu, 17/1/2014 | 10:41 GMT+7
Sáng mãi nguồn điện Đa Nhim Công trình Nhà máy Đa Nhim khởi công vào tháng 2-1962 là một trong những công trình thủy điện lớn đầu tiên được xây dựng ở nước ta, nhằm khai thác tiềm năng thủy điện to lớn của hệ thống sông Đồng Nai, nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Cách đây 50 năm, vào ngày 15-1-1964 Nhà máy Đa Nhim chính thức phát điện tổ máy số 1 và 2, đây cũng là ngày được chọn khánh thành Nhà máy thủy điện Đa Nhim và đến tháng 12-1964 toàn bộ công trình Nhà máy hoàn thành. Tổng công suất thiết kế - lắp đặt là 160 MW gồm 4 tổ máy, công suất mỗi tổ 40 MW, điện lượng bình quân hàng năm vào khoảng 1 tỷ kWh và suất tiêu hao nước là 0,55 m3 cho mỗi kWh. Điện năng phát ra của thủy điện Đa Nhim vào những năm trước đây được cung cấp chủ yếu cho TP.HCM qua ĐZ 230 kV và cung cấp trực tiếp cho các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà qua các ĐZ 110 kV. Đến nay dòng điện Đa Nhim đã được hoà vào hệ thống điện quốc gia tỏa đi mọi miền đất nước. Nhà máy sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Đa Nhim và Krông Lét để phát điện, lượng nước sau khi chạy máy, khoảng hơn 550 triệu m3 nước mỗi năm được đưa về tưới tiêu đồng bằng tỉnh Ninh Thuận, vốn là tỉnh miền duyên hải có thời tiết khô hạn, lượng mưa trung bình hàng năm thấp nhất trong cả nước; riêng lượng nước xả tràn qua đập Đơn Dương vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống sông Đồng Nai, kể từ năm 2007 khi thủy điện Đại Ninh hình thành, lượng nước xã tràn qua đập Đơn Dương lại tiếp tục chảy vào hồ chứa thủy điện Đại Ninh, công suất 300 MW để tận dụng phát điện 1 tỷ kWh mỗi năm và tưới tiêu cho cánh đồng lúa tỉnh Bình Thuận.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim

Trong nửa thế kỷ đưa vào vận hành, mà chủ yếu là những năm từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến năm 1987 (khi chưa có Nhà máy thủy điện Trị An và đường dây 500 kV Bắc – Nam), Nhà máy thủy điện Đa Nhim là nguồn điện chủ yếu của miền Nam, sản lượng điện hàng năm chiếm tỷ trọng đáng kể, đáp ứng cho nhu cầu điện để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng trong công tác sửa chữa thiết bị và duy tu bảo dưỡng công trình, cung cấp hơn 25 tỷ m3 nước tưới và sinh hoạt cho nhân dân trong địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đơn cử như, vào năm 1992, khi tình hình thiếu điện của miền Nam ngày càng căng thẳng. Trong đó nan giải nhất là việc huy động vốn trong nước và vốn ngoài nước rất khó khăn, đặc biệt là việc nhập thiết bị thủy điện. Trước tình hình đó, Bộ Năng lượng và Nhà nước đồng ý để Công ty Điện lực 2 xây dựng nhà máy bậc thang phía dưới là thủy điện Sông Pha với tổng công suất là 7,5MW, bao gồm 5 tổ máy và tận dụng nguồn nước sau khi chạy máy Đa Nhim. Đến cuối năm 1996 tổ máy cuối cùng của Nhà máy Sông Pha được đưa vào vận hành với nguồn nhân lực là đội ngũ người thợ Đa Nhim. Hàng năm cùng với Đa Nhim, nhà máy Sông Pha sản xuất được hơn 40 triệu kWh cho đất nước.

 Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành Cụm Nhà máy thủy điện Đa Nhim-Sông Pha, năm 1996 CBCNV Đa Nhim cũng đã thực hiện tự sửa chữa hư hỏng lõi thép stator của tổ máy số 1 với thời gian chưa đến 3 tháng và kinh phí chưa đến 1 tỷ đồng, so với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ 8 tháng đến 1 năm của các hãng nước ngoài đề nghị; từng bước lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị tổ máy và cải tạo nâng cấp thiết bị dàn thanh cái 6,6 kV của thủy điện Sông Pha; thực hiện hoàn thành công trình đầu tư xây dựng: Nâng cấp trạm và ĐZ 110 kV Sông Pha – Đa Nhim nhằm tận dụng khai thác tối đa công suất và sản lượng của thủy điện Sông Pha … Việc thực hiện thành công các công trình nói trên đã đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật của Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất cũng đã được phát huy, hàng năm có nhiều sáng kiến được áp dụng vào hệ thống dây chuyền sản xuất điện, không những làm lợi về mặt kinh tế mà còn góp phần giải phóng sức lao động, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

 Một góc Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Ảnh: Thanh Long

Đến năm 2004, sau 40 năm đưa vào vận hành khai thác, có thể coi hệ thống thiết bị của Nhà máy Đa Nhim đã hoàn thành xong một vòng đời. Hầu hết thiết bị đã được phát huy năng suất tối đa trong thời gian dài, đã dần suy giảm chức năng và xuống cấp, cần thiết phải phục hồi theo thiết kế ban đầu và thay đổi thiết bị công nghệ cho phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, nhằm mục đích duy trì cung cấp điện an toàn, liên tục, bảo đảm tối đa công suất và sản lượng theo thiết kế. Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim do tổ chức JICA - Nhật Bản thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 963/1997/QĐ-TTg ngày 12-11-1997 với tổng mức đầu tư là 66,54 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản là 7 tỷ Yên Nhật, thông qua Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng trong nước tương đương 2,9 triệu USD. Theo đó, lãnh đạo và CBCNV công ty đã phối hợp cùng với Tư vấn Nippon Koei và các Nhà thầu xây lắp triển khai thực hiện Dự án Phục hồi Hệ thống điện Đa Nhim bảo đảm tiến độ 18 tháng và đạt các yêu cầu kỹ thuật đã đề ra...

Qua nửa thế kỷ luôn hướng đến tương lai, sau nhiều lần sắp xếp tổ chức, bộ máy… phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước nói chung, ngành điện lực nói riêng, từ Nhà máy Đa Nhim đến nay trở thành Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD), là một trong những đơn vị thành viên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có nguồn vốn điều lệ trên 4.200 tỷ đồng, tổng công suất lắp máy 642,5 MW và công nghệ thiết bị hiện đại, hầu hết thuộc khối G7, sản xuất điện ổn định và hiệu quả, hằng năm cung cấp cho đất nước khoảng 2,9 tỷ KWh điện. Qua hoạt động đa lĩnh vực nhằm cung cấp các Giải pháp dịch vụ kỹ thuật về thủy điện trong và ngoài công ty, DHD đã ngày càng khẳng định là “thương hiệu” mạnh trong ngành thủy điện Việt Nam.

Thủy điện Đa Nhim về đêm. Ảnh: Văn Bửu

Tính đến ngày 15-1-2014, sau nửa thế kỹ vận hành, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phát được khoảng 59 tỷ kWh, trong đó Nhà máy Đa Nhim đã cung cấp cho đất nước khoảng 38 tỷ kWh điện. Riêng trong năm 2013, Công ty sản xuất sản lượng điện đạt hơn 2,9 tỷ kWh, vượt kế hoạch 12,5%, doanh thu đạt kế hoạch (khoảng 1.775 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 815 tỷ đồng chưa tính chênh lệch tỷ giá) và đóng góp vào ngân sách nhà nước tại các địa phương khoảng 150 tỷ đồng.

Hiện nay Công ty đã và đang phấn đấu thực hiện thành công dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim, quy mô 1 tổ máy với công suất 80MW, nâng tổng công suất Nhà máy thủy điện Đa Nhim từ 160MW lên 240MW. Tổng vốn đầu tư là 1.952 tỷ đồng (tương đương 92,3 triệu USD) sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chủ đầu tư. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý III-2014 và vận hành thử nghiệm tổ máy vào quý III-2016 và vận hành thương mại tổ máy vào Quý IV-2016.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh điện được coi là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, Công ty cũng luôn quan tâm công tác xã hội như tài trợ cho giáo dục thông qua việc cấp sữa tươi cho học sinh các trường tiểu học người dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận; tích cực đóng góp cùng với địa phương chăm lo cho các gia đình có công với nước, các đối tượng chính sách xã hội tại địa phương và đồng bào các vùng, miền trong nước khi gặp thiên tai, hoạn nạn. Đã trích từ nguồn quỹ phúc lợi và quyên góp trong CBCNV tổ chức xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa và 5 căn nhà tình thương tại huyện Bác Ái, huyện Ninh Sơn và thành phố Bảo Lộc; phụng dưỡng suốt đời 2 đối tượng chính sách là bố, mẹ liệt sỹ tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; đồng thời cũng đã tham gia hưởng ứng tích cực các đợt vận động của các cấp, các ngành và của địa phương đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ khuyến học,...

Với những thành tích đã đạt được trong 50 năm qua tập thể CBCNV Công ty đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặt biệt, Công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, một phần thưởng cao quý mà Nhà nước đã ghi công khen tặng cho Nhà máy thủy điện Đa Nhim nhân dịp kỷ niệm 50 năm khánh thành.

Phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tập thể CBCNV Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi quyết tâm phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, góp phần xây dựng ngành điện ngày càng vững mạnh và thắp sáng niềm tin cho nhân dân, mãi mãi xứng danh thương hiệu “DHD là Giải pháp tốt nhất cho vận hành ổn định”.

Theo: bao Ninh Thuan