Tin Công ty DHD

Khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: Sứ mệnh của "dòng chảy" phương Bắc

Thứ tư, 25/12/2013 | 15:48 GMT+7
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, xin giới thiệu lại bài viết "Khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: Sứ mệnh của "dòng chảy" phương Bắc" được viết trên Tạp chí Điện lực năm 2010.  

Sau khi thống nhất đất nước (1975), để có thể sửa chữa, phục hồi các nhà máy điện, kịp thời cung ứng đủ điện cho miền Nam, ngoài đội ngũ nhân lực tại chỗ, không thể không kể đến sự cống hiến của lực lượng cán bộ chi viện từ miền Bắc. Nhân dịp 55 năm ngày Truyền thống ngành Điện, để phần nào giúp độc giả hình dung về sứ mệnh của “dòng cán bộ chuyển lưu” thời kỳ đó, Tạp chí Điện lực trân trọng giới thiệu lược trích những dòng hồi ký của ông Vũ Hiền, nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực.

Ông Vũ Hiền (thứ 3 từ phải sang) trong đoàn đón cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự Lễ Khánh thành đợt 1 Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí khánh thành (1963)

 

Ông Vũ Hiền (thứ 3 từ phải sang) trong đoàn đón cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự Lễ Khánh thành đợt 1 Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí khánh thành (1963)

“Gian nan ngày đầu tiếp quản…

Sau chiến thắng 30/4/1975, tôi được Công ty Điện lực và Vụ tổ chức cán bộ Bộ Điện và Than lựa chọn phân công vào Đoàn kiểm tra tình hình sản xuất và cung cấp điện vùng mới giải phóng. Ngày 14/5/1975, Đoàn đến Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Điện Nhà máy sản xuất chủ yếu cung cấp cho Sài Gòn, Gia Định, phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Do vậy, không chỉ nhà máy mà các đường dây cao thế 230 kV từ Đa Nhim về Trạm biến thế điện Thủ Đức xuyên qua các tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, Long Khánh, Biên Hòa, Gia Định cũng bị du kích ta phá hỏng. Bây giờ đất nước giải phóng, nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng phục hồi Nhà máy, sửa chữa đường dây tải điện, đẩy mạnh sản xuất điện phục vụ công cuộc tái thiết đất nước.

Hôm sau, Bộ trưởng Nguyễn Chấn hội ý Đoàn rồi nói: “Nhu cầu điện cho miền Nam hiện nay là 1,2 tỷ kWh/năm. Hiện, miền Nam sản xuất điện bằng dầu. Mà dầu cho sản xuất điện chỉ còn 1 tuần là hết. Nếu tầu chở dầu của Liên Xô không đến kịp, không biết tình hình sẽ ra sao. Trong khi đó, công suất của Thủy điện Đa Nhim là 1 tỷ kWh/năm với giá thành rất rẻ. Việc sửa chữa, phục hồi Đa Nhim vô cùng quan trọng. Vì vậy, tôi cử anh Vũ Hiền và anh Phạm Công Lạc làm Trưởng, Phó Ban quân quản Nhà máy và giao nhiệm vụ cho 2 anh tập hợp lực lượng kỹ sư, công nhân khẩn trương sửa chữa, phục hồi toàn bộ nhà máy, đồng thời sửa chữa đường dây điện cao thế 66 kV Đa Nhim - Nha Trang và đường dây điện cao thế  230 kV Đa Nhim-Thủ Đức. Mục tiêu tháng 9/1975, phải cung cấp điện Đa Nhim cho Nha Trang và tháng 12/1975 phải cung cấp điện Đa Nhim cho Sài Gòn”. Trước nhiệm vụ quan trọng và sự tin tưởng của Bộ trưởng, tôi hứa quyết tâm thực hiện bằng được chỉ thị được giao.  

Tôi và anh Lạc đều là cán bộ hoạt động lâu năm ở cơ sở, có kinh nghiệm thực tế ở Nhà máy Thủy điện Thác Bà nên hiểu rằng chỉ có thể dựa vào quần chúng, phát huy sức mạnh của quần chúng thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vậy, chúng tôi nhanh chóng nắm tình hình thiết bị điện, công trình kiến trúc, tình hình sản xuất, truyền tải điện năng và tâm tư nguyện vọng của công nhân Nhà máy.


Đối với một Nhà máy có vị trí quan trọng đặc biệt, lại ở vùng rừng núi thâm u, hiểm trở, chúng tôi không thể chủ quan mất cảnh giác. Thỉnh thoảng, bọn Fulro vẫn bắn đạn khói, đạn cay vào khu vực cư xá của nhà máy. Có lần, tôi cùng đồng chí Phạm Thân - Bí thư huyện ủy Ninh Sơn và đồng chí Nguyễn Thế Vượng - Phó Ty An ninh tỉnh đi kiểm tra đường ống thủy áp, đến một đoạn phát hiện có kẻ tháo rời bulong ê-cu vứt lung tung. Rất may đường ống thủy áp đó vốn đã hỏng nên Nhà máy không xảy ra sự cố gì. Ngay sau đó, chúng tôi báo cáo với Quân khu xin lực lượng vũ trang về bảo vệ…

 Phòng Điều hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (đầu những năm 1990)

 

Vững tin nhớ lời Bác dạy, Tôi nhận thấy những khó khăn về hư hỏng thiết bị, công trình đê đập là rất lớn, nhưng khó khăn lớn hơn là thiếu chất xám. Trong đội ngũ kỹ sư trụ cột của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có 12 người vốn là sỹ quan biệt phái của chế độ cũ. Qua làm việc trực tiếp với họ, tôi thấy nhiều người rất say mê thủy điện, yêu quý Nhà máy nhưng trong lòng họ còn nhiều tâm tư, lo lắng, nên không thể tập trung trí tuệ vào công việc. Tôi trao đổi với anh Phạm Công Lạc là phải cảm hóa anh em bằng sự chân thành, cởi mở mới có thể cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Dần dần, chúng tôi hiểu nhau hơn và hợp tác chặt chẽ trong việc sửa chữa, phục hồi Nhà máy.

 

Đang lúc tinh thần lao động, sửa chữa bừng bừng khí thế, thì có lệnh tập trung các sỹ quan, binh lính ngụy quyền đi học tập cải tạo. Trước bối cảnh đó, không chỉ họ hoang mang, lo lắng mà bản thân tôi cũng như ngồi trên “chảo lửa”. Tôi chạy khắp nơi xin cho số người ở Đa Nhim được đình hoãn, đi học tập sau khi đã hoàn thành công tác sửa chữa Nhà máy, nhưng đến đâu cũng bị lắc đầu. Không nản lòng, tôi lên Ủy ban quân quản thành phố gặp Trung tướng Phạm Kiệt, người phụ trách học tập cải tạo và đề nghị cho chúng tôi tổ chức học tập cải tạo tại chỗ. Tôi vốn là cán bộ giáo vụ trường Nguyễn Ái Quốc, có khả năng sư phạm, nếu được cử thêm một số cán bộ về Đa Nhim cùng tôi mở lớp học tập, sẽ vừa đảm bảo thực hiện mệnh lệnh của Chính phủ, vừa đảm bảo sửa chữa phục hồi Nhà máy. Cuối cùng, tôi đã thuyết phục được vị Trung tướng.

 

Một chương trình học tập cải tạo được tổ chức ngay tại nhà máy trong niềm vui tột cùng của những người thợ nơi đây. Lớp 1 gồm 18 sỹ quan học trong 3 tuần; lớp 2 có 17 người là binh sỹ học trong 1 tuần. Buổi sáng học, buổi chiều làm việc. Có người hỏi tôi vì sao lúc đó bác dám mạnh bạo như vậy. Tôi trả lời: Vì tôi nhớ lời dạy của Bác Hồ. Bác nói: Hễ là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước. Vì vậy, không lẽ gì ta không đoàn kết, tương ái với họ.

 

Khi trí tuệ 3 miền kết tinh

 

Việc sửa chữa đường ống thủy áp rất khó khăn, đặc biệt là đường ống số 2. Đường ống này nằm ở gần đỉnh núi, chiều dài đoạn ống hỏng là 112 m. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải thay thế 22 đoạn ống hỏng thép dầy 10 ly, phi 2 m, mỗi đoạn trung bình nặng trên 3 tấn. Khó khăn là không làm cách gì để đưa các ống mới lên đến chỗ hỏng để thay thế. Chúng tôi được biết công ty điện lực của chính quyền cũ đã từng thuê một công ty Nhật Bản đến khảo sát và lập kế hoạch sửa chữa. Sau khi đo đạc tính toán, họ tuyên  bố phải mất 13 tháng và chi phí 2,1 triệu USD.

Sửa chữa đường ống thủy áp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (năm 1976)

 Sửa chữa đường ống thủy áp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (năm 1976)  

 

Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với các chuyên gia trong ngành để tìm giải pháp, nhưng đều bế tắc. Trước tình hình đó, tôi đề nghị chi viện thêm một số kỹ sư giỏi từ miền Bắc vào. Anh Hoàng Nam Phương - kỹ sư cơ điện Nhà máy Sửa chữa và Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, anh Bùi Quang Cơ - kỹ sư cơ điện và anh Trần Minh Ngó - công nhân cơ điện bậc cao đã được điều vào trong này làm việc.

 

Sau khi nghiên cứu hiện trường, một tuần sau, 3 anh đến gặp tôi trình bày phương án sửa chữa. Số là thời kỳ xây dựng Nhà máy, người ta đã làm đường ô tô lên tận đỉnh núi. Vậy, thay vì loay hoay tìm cách đưa những ống thép khổng lồ từ dưới đất lên cao hàng trăm mét thì nay chỉ cần dùng ôtô chở các đoạn ống lên trên đỉnh núi, rồi từ đỉnh núi dùng tời, xích, palăng thả từng đoạn ống xuống chỗ phải thay thế sửa chữa (chỉ cách đỉnh núi 100 m). Theo phương án này, thời gian tiến hành chỉ trong 6 tháng: 3 tháng chuẩn bị, 3 tháng thi công. Kinh phí dự tính 100.000 USD, chỉ bằng 1/21 kinh phí so với dự án của Nhật.

 

Sau khi nghe tôi thông báo kế hoạch, anh em trong Nhà máy rất vui mừng và khâm phục phương án của 3 kỹ sư. Tôi lần lượt giới thiệu: “Anh Ngó quê ở Sài Gòn; anh Cơ quê ở Hà Nội; anh Phương quê ở Quy Nhơn. Thế là nhóm kỹ thuật có đủ 3 miền Bắc - Trung - Nam.” Mọi người đều cười ồ lên vui vẻ.

 

Những ngày tháng tiếp theo, các hạng mục bị hư hỏng của Thủy điện Đa Nhim được sửa chữa, hoàn thành với tiến độ kỷ lục. Cuối năm 1975, đường ống thủy áp được phục hồi. Tiếp theo là đường dây tải điện 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn và 66 kV Đa Nhim – Nha Trang thông suốt…

 

Cuối tháng 9/1975 tôi được lệnh của Bộ Điện và Than bàn giao lại công việc về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Thủy điện Đa Nhim đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Toàn thể CBCNV Nhà máy đã đoàn kết khắc phục muôn vàn khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và phát huy tổ chức chính trị, tạo tiền đề cho Nhà máy từng bước nâng cao công suất và sản lượng điện, đảm bảo cung cấp điện ngày một tốt hơn cho thành phố mang tên Bác và các tỉnh phía Nam”…

Theo: Tạp chí Điện lực