Tin Công ty DHD

THAM QUAN HỌC TẬP CÁC TỈNH PHÍA BẮC

Thứ ba, 6/12/2011 | 11:01 GMT+7
Từ ngày 13/11/2011 đến ngày 18/11/2011, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã tổ chức chuyến tham quan học tập tại các tỉnh phía Bắc cho 12 CBCNV từ các đơn vị trong Công ty.

 

Cái cảm giác hồi hộp, háo hức đối với người lần đầu đến mảnh đất Thủ đô hay cái cảm giác bồi hồi của người đã quen với mảnh đất này trở về nơi cũ đã làm tan biến bao cái mỏi mệt sau một chặng đường đi khá dài. Hà Nội, cái tên thân quen với bất cứ một người Việt Nam nào, và tha thiết hơn đối với những người con ở miền Nam lần đầu đặt chân đến, giờ đã thật sự hiện hữu.

Cuối thu, khí trời se lạnh khi đêm về, dạo quanh hồ Gươm cảm thấy lòng thật nhẹ nhàng, kia là cầu Thê Húc, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và không khó để gặp đâu đó cây hoa sữa, loài cây đặc biệt chỉ tỏa hương khi được trồng ở Hà Nội. Sáng sớm, khi sương vẫn giăng thành từng lớp mỏng, đoàn tham quan tạm biệt Hà Nội để bắt đầu hành trình khám phá núi rừng Tây Bắc.

Với sự hướng dẫn nhiệt tình của hai chị hướng dẫn viên cùng sự chuyên nghiệp và duyên dáng, vui tính của bác tài xế (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch Công đoàn Điện lực Việt Nam), mà chặng đường lên Tây Bắc vốn đẹp như tranh vẽ lại thêm phần sống động. Quả thật có đi mới biết con đường dẫn lên địa đầu Tổ quốc thật sự độc nhất vô nhị như thế. Sương mù cứ từng chốc tạo thành từng mảng lớn, khiến cả đoàn thỉnh thoảng vẫn phải mường tượng ra những hình ảnh như miêu tả của chị hướng dẫn và bác tài, vốn đã rất kinh nghiệm trên con đường này. Theo lời kể, đoạn đường này đủ khả năng chứng minh cho sự kiên trì và dũng cảm của những ai muốn thử sức mình, một bên là núi dựng cao vút, một bên là vực thẳm mà trên con đường hẹp chỉ cần chút lơ là, hậu quả có thể khó lường. Quá nửa ngày đường, cả đoàn dừng chân tại cửa khẩu Thanh Thủy để trải nghiệm cảm giác khi đứng giữa biên giới hai quốc gia. Cửa khẩu Thanh Thủy khá vắng vẻ, hay vì trời gần về tối mà thấy cảm giác thật miên man.

Đêm Hà Giang se lạnh, từng cơn gió chốc chốc thổi, mọi người trong đoàn tản ra để dạo phố đêm và thưởng thức các đặc sản địa phương.

Sương dần tan khi mặt trời dần lên cao, cảnh vật hiện ra thật rõ nét. Ra khỏi thành phố Hà Giang, đường lên cổng trời Quản Bạ ngoằn ngoèo, khúc khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo cao vút, càng đi càng heo hút giữa vùng mây và trời. Đỉnh cao nhất của con đèo này là cổng trời Quản Bạ, cao 1.500m so với mực nước biển, có tấm biển đề chữ: Cổng trời Quản Bạ. Từ cổng trời cả đoàn đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của vùng thung lũng được mệnh danh là “Hồng Kông của Hà Giang”, và nổi bật giữa đó là ngọn núi đôi, còn gọi là núi Cô Tiên mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Quản Bạ. Tiếp đó, cả đoàn được dịp đến thăm nhà Vương - một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Mông vùng núi đá Hà Giang. Phía trước khu nhà Vương là chợ Sà Phìn, theo lời kể của hướng dẫn viên, chợ họp mỗi tuần một phiên nhưng lại tính lùi ngày đi, nên còn gọi là chợ lùi, là nơi mua sắm, vui chơi, giao lưu uống rượu và tìm bạn tình.

Có đi mới thấy, con đường đến Hà Giang đã khó đi, mà con đường lên Quản Bạ, Đồng Văn còn khó đi gấp bội. Giữa cái heo hút vắng lặng ấy, có lúc dường như niềm hy vọng chợt tắt thì bỗng nhiên những ngôi làng bé xíu xuất hiện, làm dậy lên một niềm vui khó tả. Càng đi, càng thấy nhiều mảnh ruộng bậc thang đặc trưng của vùng núi phía Bắc, thể hiện một sự thích nghi trọn vẹn của con người với thiên nhiên, trong sự tôn trọng và bảo vệ môi trường. Ruộng đã được thu hoạch xong, đây đó thỉnh thoảng bắt gặp các ụ rơm, là kho chứa thực phẩm của đồng bào các dân tộc, khi cần họ chỉ việc đến lấy vừa đủ mang về. Càng lên cao, càng thấy rõ các tảng núi đá to khổng lồ, thể hiện vẻ đẹp hoang dã và sức sống mãnh liệt ở nơi đây. Cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang là công viên địa chất cấp quốc gia. Ngoài những di sản được thiên nhiên ban tặng, Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Xe dừng lại khi bắt gặp một nhóm các em bé người Mông đang chơi đùa, thấy người lạ, các em cười thật tươi và đưa tay vẫy, thể hiện sự hiếu khách hết sức chân tình.

      Cả đoàn cũng đã có cơ hội đến thăm điểm địa đầu Tổ Quốc tại cột cờ Lũng trên đỉnh núi Rồng thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), ở độ cao gần 1.700m so với mặt nước biển, cao gần 20m,lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước ta. Trong khí trời se lạnh, cộng với đường lên chân cột cờ khá cao khiến cho việc leo núi khá vất vả, thế nhưng đó cũng là một trải nghiệm thú vị để rồi khi đứng từ trên cao nhìn xuống cảnh vật thật tuyệt vời.

Trong chuyến tham quan, cả đoàn cũng đã được thưởng thức các món đặc sản, đặc biệt có các món rau, món cá, gà đen, heo đen được chế biến theo kiểu của người địa phương nên cảm giác là lạ nhưng ngon miệng. Trên cả chặng đường dài hơn 200 cây số, đoàn đã bắt gặp người Mông trên các ruộng bậc thang được xếp đá, trong các bản nhỏ, và trên đường đi. Bác lái xe nói vui, nếu sinh ra lần nữa cứ làm con trai Mông, vì việc nhà đã có vợ lo, chỉ phải lo uống rượu cho say là được, bởi nếu không say, người vợ sẽ bị cho là đoản, là không ra gì.

       Chuyến đi nào rồi cũng kết thúc, tạm biệt vùng rừng núi trập trùng, tạm biệt những ngày được sống ở “trên trời”, được tận hưởng cái hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cũng như khâm phục cái ý chí và sự bền bỉ của những con người nơi vùng đất “Sống trong đá, chết vùi trong đá”, tất cả các thành viên trong đoàn đều có những trải nghiệm của riêng mình về chuyến đi này, nhưng chắc chắn đó sẽ là những trải nghiệm không bao giờ quên được.

Theo: Tâm Thư