Tin Công ty DHD

Thủy điện Đa Nhim - Công trình 60 năm lịch sử của ngành điện Việt Nam

Thứ tư, 10/1/2024 | 03:45 GMT+7
Ngày 01/4/1961, công trình xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim (160 MW) được khởi công để biến nguồn nước từ hồ Đơn Dương thành điện năng, đồng thời cung cấp nguồn nước dồi dào cho đồng bằng Ninh Thuận.

 

Khởi nguồn

Ở khu vực Nam Tây nguyên, trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, sông Đa Nhim và sông Krong-Klet bắt nguồn huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng hợp lưu với nhau tạo thành hồ Đơn Dương có nguồn nước dồi dào với tiềm năng thủy điện to lớn.

Là một tỉnh ở cực nam của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Ninh Thuận là có khí hậu nhiệt đới đến cận hoang mạc với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh. Chính vì vậy, thời tiết Ninh Thuận phân hóa thành 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 đến 270C, lượng mưa trung bình 700 - 800 mm nên nơi đây được mệnh danh là “Vùng đất của nắng và gió”.

Rồi một điều kỳ diệu đã xảy vào ngày 01/4/1961 khi công trình xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim (160 MW) được khởi công để biến nguồn nước từ hồ Đơn Dương thành điện năng; đồng thời cung cấp nguồn nước dồi dào cho đồng bằng Ninh Thuận.

Đã 60 năm qua, sự kiện lịch sử này đã khởi nguồn để xây dựng nên một nhà máy thủy điện Đa Nhim hiệu quả, một Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phát triển vững vàng như ngày ngay. Hơn thế nữa, thủy điện Đa Nhim đã góp phần mang đến một diện mạo mới cho Ninh Thuận bởi nguồn nước dồi dào đang ngày đêm tưới mát cho những cánh đồng trên địa bàn các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Các chuyên gia làm việc tại công trường xây dựng thủy điện Đa Nhim năm 1961

Ngày 01/4/1961, công trình được khởi công tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Phạm vi xây dựng gồm: đập chính, cửa xả tràn, cửa nhận nước, đường hầm dẫn nước, nhà van, đường ống áp lực, tòa nhà năng lượng, kênh xả, trạm phân phối và đường dây 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn.

Đến ngày 15/01/1964, công trình được tổ chức lễ khánh thành với sự kiện tổ máy số 1 và số 2 được đưa vào vận hành. Đến tháng 12/1964, tổ máy số 3 và số 4 được đưa vào vận hành, hoàn thành toàn bộ công trình sau 33 tháng thi công xây lắp với tổng chi phí khoảng 47,6 triệu USD.

Trên công trường thủy điện Đa Nhim, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ thi công đã tạo nên một mang tính đột phá về tiến độ thi công một công trình thủy điện khi toàn bộ thời gian thi công, xây lắp chỉ 33 tháng nhưng chất lượng công trình tuyệt vời đã vận hành ổn định qua 60 năm.

Công trình thủy điện Đa Nhim được xây dựng trên địa hình phức tạp, hiểm trở với cột áp cao 800 m, đường ống áp lực có đoạn dốc đến 46 độ. Tuy nhiên, những khó khăn đó đã bị chinh phục bởi ý chí của con người khi hai đường ống áp lực song song vắt ngang đèo Ngoạn Mục đã hình thành, tạo nên một biểu tượng rất riêng của thủy điện Đa Nhim. Nhìn từ xa, hai đường ống như một nét chấm phá giữa lưng chừng trời.

Vào những lúc cao điểm, nhân sự trên công trường lên đến 4.140 người đã cùng nhau nỗ lực tối đa để đạt tiến độ công trình. Sự đoàn kết, gắn bó ấy đã tạo nên một thủy điện Đa Nhim vững chãi, đạt chất lượng cao, vận hành ổn định cùng với thời gian.

Phục hồi 

Sau 40 năm vận hành, hệ thống thiết bị của nhà máy thủy điện Đa Nhim đã phát huy hết hiệu quả của một vòng đời. Các thiết bị chính cần được kiểm tra, nâng cấp, thay mới để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành và cập nhật công nghệ đương đại.

Báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án hoàn thành năm 1995 được Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) rà soát vào tháng 4/1997 và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 963/1997/QĐ-TTg ngày 12/11/1997.

Dự án được khởi công ngày 22/12/2004 do EVN làm chủ đầu tư, giao Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (nay là Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi - ĐHĐ) làm Ban Quản lý dự án.

Chuyên gia thảo luận tại Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim tháng 5/2006

Ngày 08/8/2006, Dự án Phục hồi hệ thống điện Đa Nhim hoàn thành toàn bộ, thủy điện Đa Nhim được khoác lên mình một chiếc áo mới đẹp đẽ hơn, hiện đại hơn. Hệ thống thiết bị đèn điện tử, khuếch đại từ đã lỗi thời được thay thế bằng thiết bị PLC (Programmable Logic Controller) hoạt động ổn định, độ khả dụng cao được điều khiển bằng máy tính. Bên cạnh đó, hệ thống thu thập số liệu thủy văn với 7 trạm đo mưa, 4 trạm đo mực nước và 4 trạm cảnh báo lũ được được lắp đặt trên lưu vực hồ chứa giúp cho công tác dự báo lưu lượng về hồ chính xác hơn, đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực hạ du hồ Đơn Dương.

Mở rộng

Hồ Đơn Dương thuộc công trình thủy điện Đa Nhim có tiềm năng thủy điện to lớn. Hồ chứa có lưu vực rộng 775 km2 trải dài từ huyện Lạc Dương đến huyện Đơn Dương. Với diện tích lưu vực rộng, dung tích 165 triệu m3 của hồ Đơn Dương khá nhỏ đối với nguồn nước dồi dào cung cấp bởi hai con sông Đa Nhim và Krong-Klet.

Với cột áp 800m, thủy điện Đa Nhim được đánh giá là một trong những công trình thủy điện hiệu quả nhất nước ta với suất tiêu hao chỉ 0,56 m3/kWh. Trong nhiều năm qua, Thủy điện Đa Nhim được vận hành như một nhà máy chạy nền trên biểu đồ phụ tải, thời gian vận hành trung bình từ 6.000 đến 8.000 giờ, có năm hơn 8.000 giờ. Việc khai thác cao trong nhiều năm liền ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị của Đa Nhim.

Một bài toán đặt ra là làm sao tận dụng hiệu quả hơn nữa tiềm năng thủy điện của hồ Đơn Dương; đồng thời kéo dài tuổi thọ các tổ máy của thủy điện Đa Nhim hiện hữu?

Từ năm 2012, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ xúc tiến với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản nghiên cứu đầu tư Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim với công suất 80MW, nâng tổng công của của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim lên 240MW. Sau khi trở thành công ty con của Tổng công ty Phát điện 1 theo Quyết định số 3023/QĐ-BCT ngày 01/6/2012 của Bộ Công Thương, Công ty ĐHĐ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ và sự chỉ đạo kịp thời của Tổng công ty Phát điện 1 trong suốt quá trình triển khai dự án.

Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim đã khởi công xây dựng ngày 15/12/2015 và đưa vào vận hành ngày 25/12/2018.

Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tận dụng có hiệu quả nguồn nước từ hồ Đơn Dương, tạo thêm nguồn điện xanh, sạch cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đáp ứng công suất của hệ thống.

Khởi đầu từ những năm 1960, mỗi giọt nước của thủy điện Đa Nhim ngày càng trở nên quý giá hơn, mang lại cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho người dân Ninh Thuận quanh năm nắng gió. Ngày nay, dọc theo hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện Ninh Sơn hay dọc dòng sông Dinh (sông Cái) ngang qua thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nho đã xanh tươi, táo đã ngút ngàn; từng đàn bò, dê, cừu nhởn nhơ gặm cỏ vẽ nên bức tranh về cuộc sống thanh bình, ấm no của người dân. Từ vùng đất bán hoang mạc năm xưa, đồng bằng Ninh Thuận đã hoàn toàn thay đổi và đang khoác lên mình chiếc áo xanh trù phú.

Nguyễn Ngọc Tuấn